Đây là cuốn sách thuộc hàng kinh điển của thế giới và chắc hẳn rất nhiều người đã từng nghe nói về nó. Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là năm lớp 11 nhưng có lẽ cuốn sách là quá sức với một cô gái 17 tuổi nên tôi đã bỏ ngang giữa chừng. Đầu năm nay, vì nghỉ dịch nhàn rỗi nên tôi đã quyết tâm đọc lại nó, một phần vì tò mò muốn biết tại sao cuốn sách này luôn nằm ở top những cuốn sách hay nhất thời đại. Và có lẽ tôi đã phần nào hiểu. Đọc Anna Karenina, chúng ta thấy hiện lên bức tranh toàn cảnh xã hội nước Nga sau cải cách nông nô, giữa những năm 70 của thế kỷ XIX với tầng lớp thượng lưu mục ruỗng, thối nát đằng sau vẻ hào nhoáng, sang trọng.
Anna Karenina, một quý bà thượng lưu với cuộc sống viên mãn trừ tình yêu với người chồng lớn tuổi đã không thể cưỡng lại được tình cảm nồng cháy của chàng bá tước trẻ tuổi Vronsky. Chuyện sẽ không có gì để nói, nếu không muốn nói là rất hợp với cung cách của giới quý tộc nếu nàng Anna coi cuộc tình của với Vronsky như một món trang sức cho sức cuốn hút của mình. Người ta sẽ hiểu, thậm chí của chồng của nàng cũng từng đề nghị với nàng điều đó - hãy giữ cuộc tình đó trong bóng tối, đừng công khai nó- nàng sẽ vẫn có được cuộc sống sung sướng và vẫn là thành phần tinh túy của giới thượng lưu. Nhưng không, đây không phải là cuốn sách về một cuộc ngoại tình bình thường và nàng Anna cũng không phải là một quý bà thượng lưu tầm thường. Nàng là một người đàn bà luôn khát khao tình yêu thương, sống héo mòn với một người đàn ông khô khan, cứng nhắc và lạnh lùng và rởm đời, yêu danh tiếng của mình hơn bất kỳ điều gì. Khi chưa gặp Vronsky, nàng trút toàn bộ tình yêu thương đó vào đứa con trai. Và khi gặp Vronski, cái khát khao được hạnh phúc, được sống thật với lòng mình đó lại bùng lên dữ dội và nàng đã bất chất tất cả, hy sinh tất cả, kể cả đứa con mà nàng yêu vô cùng để lao vào cuộc tình đó. Anna là hiện thân của người phụ nữ khát khao yêu thương và dám hy sinh để được yêu thương nên dù cuộc tình của nàng trong mắt cả xã hội thượng lưu là bẩn thỉu, tội lỗi nhưng nó trong sạch hơn ngàn lần những cuộc hôn nhân kiểu mẫu của giới thượng lưu lúc bấy giờ. Kết cục của Anna có lẽ là điều có thể dự đoán được và nó là tất yếu trong cái xã hội mà những nhu cầu chân thật nhất của cá nhân bị bóp nghẹt, người ta chỉ được phép trưng ra những điều đẹp đẽ, hào nhoáng nhưng dối trá, bẩn thỉu và người ta coi đó là khuôn phép của xã hội. Một người dám yêu, dám hận như Anna chắc chắn là sẽ không thể nào được chấp nhận và được tha thứ.