Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Review Hành trình về Phương Đông




Phương Đông – đối với hầu hết những người Phương Tây, đấy là nơi chứa đầy sự huyền bí, nhưng cũng là nơi của đói nghèo và mọi rợ. Cũng không thể trách họ được, bởi những thế kỷ trước đây, phần lớn các nước Phương Đông chính là thuộc địa của các nước lớn ở Phương Tây. Nhưng đọc Hành trình về Phương Đông, chắc hẳn rất nhiều độc giả phương Tây sẽ rất ngỡ ngàng trước một nền minh triết rực rỡ của Phương Đông, xứ sở mà họ ngỡ là chỉ có nghèo đói và lạc hậu. Là một người phương Đông nhiều khi tôi cũng cảm thấy choáng ngợp trước sự giàu sang và hào nhoáng của các nước phương Tây, tôi không biết rằng, xứ sở mình đang sống chứa đựng những kho tàng quý báu đến như thế, cho đến khi tôi đọc Hành trình về phương Đông của Giáo sư Blair T. Spalding. Đây có thể coi là cuốn nhật ký của đoàn khảo sát gồm những nhà bác học lừng lẫy nhất của nước Anh. Tâm thế của những nhà khoa học này khi bắt đầu chuyến hành trình có lẽ là sự tò mò và không mấy tin tưởng, đặc biệt là khi trải qua hai năm ở Ấn Độ và chỉ được chứng kiến những trò lừa bịp rẻ tiền ở khắp nơi trên xứ này. Họ đã thất vọng và muốn bỏ cuộc, cho đến khi GS Spalding gặp một người Ấn ở thành Benares. Người Ấn này gặp GS để chuyển lời của một vị chân sư đến phái đoàn “Hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở. Hãy tìm rồi sẽ gặp”, và dạy rằng “Các vị minh sư đâu có cư ngụ trong đền thờ lộng lẫy, họ đâu in danh thiếp với các chức tước, địa vị to lớn, trọng vọng. Họ đâu cần phải quảng cáo các quyền năng, đạo quả hoặc in tên trong điện thoại niên giám”. Những lời này đã dẫn dắt phái đoàn đến một cuộc hành trình kỳ lạ vén lên bức màn của Phương Đông huyền bí với một nền minh triết vĩ đại và thiêng liêng ẩn mình nơi chốn tĩnh lặng như rừng sâu núi thẳm hay trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, khuất xa hỏi những ồn ào, hỗn tạp chốn thành thị, phố chợ. Nhờ có lời nhắn của vị chân sư bí ẩn mà phái đoàn đã được gặp những vị đạo sĩ chân chính, những người đang trên đường đạo và đã ngộ ra được nhiều điều sâu sắc. Đó là một nhà chiêm tinh “gầy gò, nhỏ bé, nhưng có một đôi mắt sáng ngời, chứng tỏ một đời sống nội tâm dồi dào”, người đã khiến cho “toàn thể phái đoàn đều bàng hoàng, khâm phục”. “Trong một buổi chiều, nhà chiêm tinh xứ Ấn đã hùng biện, dẫn chứng về toán học, sinh vật học, triết học, tôn giáo và cả lịch sử Âu châu như một học giả uyên bác nhất. Kiến thức của y đã chinh phục tất cả mọi người”. Cuộc gặp gỡ Brahmananda và Sudeih Babu đã thay đổi tất cả. Cho đến lúc đó, phái đoàn mới công nhận rằng đằng sau khu rừng mê tín dị đoan, còn có những chân lý cao siêu đáng học hỏi và nghiên cứu. Đó còn là vị đạo sư giữ Ngôi đền im lặng, khi ông giảng giải cho phái đoàn rằng “Đền yên lặng là nơi chỗ của quyền năng, vì yên lặng đồng nghĩa với quyền năng. Khi con người đạt đến chỗ im lặng trong tư tưởng thì họ đã đến chỗ mà tất cả đều là sự hợp nhất với quyền năng thiêng liêng. Con người có sức mạnh tư tưởng nhưng vì vô ý thức, họ đã để cho nó hao tán… Khi tập trung mọi sức mạnh tư tưởng vào một trung tâm sinh lực duy nhất, con người tiếp xúc với thượng đế. Khi hợp nhất với đấng thiêng liêng, ta hợp nhất với mọi quyền năng và đó là di sản tâm linh tối hậu. Phương pháp duy nhất để hoà hợp với đấng thiêng liêng, là tiếp xúc với ngài một cách ý thức, từ bỏ ngoại cảnh, để quay về với nội tâm, vì đấng thiêng liêng ẩn tàng trong tâm con người. Khi con người từ bỏ ảo giác của kiêu mạn, bản ngã, nhận thức sự vô minh, hèn kém của mình và sẵn sàng học hỏi, sửa đổi, đó là tu thân. Người ta không thể dạy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng, tự phụ, vì chỉ có người khiêm tốn mới thấy được chân lý. Đấng thiêng liêng không nghe các lời cầu xin ồn ào, lập đi lập lại mà chỉ nghe những lời cầu nguyện chân thành của những kẻ đến với ngài bằng trái tim, sùng kính ngài bằng tâm hồn và sự im lặng. Kẻ nào tiếp xúc với ngài trong âm thầm sẽ nhận biết quyền năng của ngài do sự thực hiện các điều mong muốn của họ”. Sống trong thời hiện đại, chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của sự im lặng. Nhưng từ hàng ngàn năm trước, những đạo sư ở Ấn Độ đã nhận thức được rằng “Minh triết phát sanh từ sự yên lặng. Thượng đế không cần ta phải tuyên dương ngài một cách ồn ào hay bằng một ngôn ngữ gì. Khi một tín đồ thành tâm trong tĩnh lặng, y sẽ hoà hợp tư tưởng với ảnh hưởng thiêng liêng; và ảnh hưởng này chỉ có thể nhận biết được khi lòng ta vắng lặng. Khi tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, ta có thể tự phân tích mình, trau dồi phẩm hạnh và đón nhận những mặc khải từ cõi trên. Chỉ trong sự vắng lặng, con người mới ý thức năng lực trong mình, và chung quanh mình. Chỉ trong yên lặng các quyền năng tiềm ẩn mới phát sinh và nẩy nở. Tâm có an thì việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng mới chịu yên tĩnh. Con người có giải thoát các ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, thì mới đón nhận được các hoà âm tuyệt diệu đến từ cõi vô biên. Con người cần khám phá rằng hạnh phúc ở trong tâm mình. Hiện nay phần lớn đều tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, nhưng ngoại cảnh chỉ đem lại các giải trí trong chốc lát, thay vì hạnh phúc vô biên. Tất cả phương pháp tìm kiếm bên ngoài đều vô vọng. Con người phải biết quay về nội tâm vì mọi hình tướng, nghi thức đều là sự áp chế”. Khi im lặng, “con người sẽ dần dần ý thức được chính mình. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một thời gian. Họ sẽ tìm thấy ở mình một thứ hạnh phúc không lệ thuộc ngoại vật, cũng không lệ thuộc tha nhân. Một tâm trạng giải thoát không ai có thể cướp được, đó là tâm trạng “tôn giáo”, kết tinh bởi sự nẩy nở, thăng hoa các ý thức sâu kín trong nội tâm. Con người sẽ tự mình tìm thấy câu giải đáp khi họ ý thức thực chất của chính mình, và ảnh hưởng cao cả của thượng đế. Chỉ khi đó, mọi sự tìm kiếm ở ngoại cảnh sẽ chấm dứt”. Càng đọc, tôi càng thấm thía những lời dạy này của vị đạo sư. Ngày nay chúng ta mong cầu quá nhiều nhưng lại lắng nghe bản thân mình quá ít, có lẽ vì thế mà ta luôn cảm thấy không đủ chăng? “Thượng đế ở khắp mọi nơi và tuyệt đối, ngôn ngữ, hình ảnh không thể diễn tả được. Chỉ trong sự im lặng hoàn toàn phá bỏ tất cả hình tướng, nghi thức, con người mới tự do sống bình an với nhau, hiểu sự liên quan giữa y và những người đồng loại. Con người thường suy tư về sự liên hệ giữa người với người, nhưng sự suy tư này ít nhiều đều thiên vị. Nó luôn luôn sai lạc nếu nó khảo sát sự vật xuyên qua bản ngã. Tư tưởng con người chỉ chân chính khi họ giải thoát khỏi các thành kiến, điều kiện bao bọc bên ngoài. Tự do tư tưởng không phải chỉ là muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối riêng. Đây là một chân lý chỉ tìm thấy trong sự yên lặng, trong sự cởi bỏ mọi nghi thức, hình tướng, ngôn từ, các thành kiến dị biệt, các cưỡng bách tư tưởng, các sợ hãi bắt nguồn từ vô minh . Chỉ khi nào hoàn toàn tự do, con người mới thực sự bình an và giải thoát”. Tôi đã đọc đi đọc lại chương này rất nhiều lần, bởi khi đọc những lời này, tôi như thấy mình đang được khai mở, tôi thấy xúc động và bình an cùng một lúc.
Hành trình tiếp tục đưa phái đoàn đến thành phố Rishikesh - thành phố của các vị thánh. Từ lâu nay người ta đã coi thành phố này như một thánh địa mà tất cả những kẻ cầu đạo đều phải đến để đắm mình trong bầu không khí thiêng liêng. Ở đây, họ gặp Đức Mahayasa và được lắng nghe câu chuyện về người thầy của ông, Đức Ramakrishna, một con người đơn giản, biết ít, học ít, nhưng ngay cả những bậc học rộng, tài cao của Ấn độ đều ngưỡng mộ ngài. “Họ cúi đầu trước hào quang tâm linh của ngài”. Bởi “Có gần ngài, mới hiểu thế nào là bình an. Những ngày bên ngài tốt đẹp biết bao”. Ngài dạy rằng: “muốn có hạnh phúc thật sự, phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn”, “nguyên nhân các đau khổ đều ở trong ta chứ không phải ở bên ngoài”.
Sự huyền hoặc của văn hoá phương Đông còn khiến phái đoàn ngỡ ngàng sau cuộc gặp với vị giáo sĩ có thể tạo ra mọi vật từ hư không, người đã chứng minh một cách thuyết phục lời dạy của Đức Jesus: "Những gì mà ta làm được thì các ngươi cũng sẽ làm được và các ngươi sẽ còn làm được những việc lớn lao hơn nữa". "Ðức Jesus đã dạy rằng trong thiên nhiên có chất liệu để làm đủ mọi vật và người ta có thể tìm lương thực của mình trong đó. Chúng ta chỉ cần rút các chất liệu nầy để tạo ra mọi thứ cần dùng. Nhưng con người hèn nhát và thiếu đức tin đã không nghĩ rằng họ có thể thực hiện được những việc này. Nhu cầu phải chăng cũng là ý muốn sáng tạo? Thay vì vươn lên để thực hiện ý muốn, để sáng tạo thì con người lại thu hẹp mình lại và nghĩ rằng họ không thể làm được những việc đó. Vì thế con người càng ngày càng rời xa Thượng Ðế. Ðến nay con người tin rằng họ là một thực thể cách biệt với Thượng Ðế. Họ đã đi lệch hẳn con đường toàn vẹn, bỏ lỡ cái mục đích cao đẹp”.
Họ cũng đã gặp một vị đạo sư Yoga đồng thời là một nghệ sĩ. Điều lạ lùng là ông ý thức được sự sáng tạo trong một buổi thiền định và từ đó ông có thể làm mọi thứ, từ chơi nhạc, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng… dù không hề được đi học. Điều mà ông ngộ ra được đó là “ai cũng có thể sáng tạo mà không cần tài năng đặc biệt vì sự sáng tạo là trạng thái tuyệt vời của nghệ thuật, không bị ảnh hưởng của bản ngã. Sáng tạo không có nghĩa là "soạn nhạc", "làm thơ", "vẽ tranh" nhưng là một trạng thái mà trong đó Sự Thật có thể biểu hiện. Sự Thật chỉ có thể biểu hiện khi tư tưởng ngưng đọng lại và tư tưởng chỉ ngưng lại khi bản ngã vắng mặt. Khi tâm hồn hoàn toàn tĩnh lặng không bị thôi thúc bởi dục vọng, khả năng sáng tạo sẽ tự biểu lộ. Khi "cái ta" không còn nữa thì tất cả là một sự hợp nhất thiêng liêng. Cái đẹp có thể được diễn tả trong một bài thơ, bản nhạc, nụ cười hay trong sự im lặng. Phần lớn con người không có khuynh hướng yên lặng. Chúng ta không có thời giờ quan sát đám mây trời, buổi hoàng hôn, một ngọn núi hùng vĩ, một bông hoa hé nở vì đầu óc chúng ta quá bận rộn, quay cuồng”. Một lần nữa tầm quan trọng của sự im lặng lại được vị đạo sư nhắc đến. Tôi lại nghĩ đến sự khác biệt quá lớn giữa phương Tây và Phương Đông. Nếu như Phương Tây rực rỡ, ồn ào thì Phương Đông lại chú trọng đến sự tĩnh lặng, yên bình. “Người nghệ sĩ chân chính là người mở rộng tấm lòng để cảm hứng đến một cách tự nhiên, là người nhìn thấy Chân, Thiện, Mỹ ở khắp tất cả mọi nơi chứ không phải qua khả năng hồi tưởng hoặc qua một chất kích thích. Người nghệ sĩ chân chính sáng tạo vì lòng yêu cái đẹp chứ không phải vì tác phẩm sẽ đem lại cho y tên tuổi, tiền bạc, địa vị. Làm thế là đồng hoá cá nhân mình vào đối tượng. Bất cứ ai biết rung động trước cái đẹp đều là nghệ sĩ, đều là người sáng tạo vì cái cảm giác chân thật, tuyệt vời đó chính là một sự "giác ngộ", một sự hợp nhất. Cái cảm giác đó không thể tự tạo hay tìm được mà đến và đi một cách tự nhiên...”. Nói như vị đạo sư  thì mỗi chúng ta đều có khả năng trở thành nghệ sĩ nếu chúng ta biết lắng nghe và biết rung cảm trước cái đẹp.
Tôi vô cùng ấn tượng với phần chia sẻ của Bác sĩ Bandyo với phái đoàn về các thiên thần và về cuộc sống của linh hồn sau cái chết. Ông khẳng định rằng “chết không phải là hết mà chỉ là một giai đoạn di chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Con người chỉ rời bỏ thể xác này thôi. Sự chết không có gì đáng sợ như người ta vẫn nghĩ." Và với ông thì “tình thương là một năng lực sáng tạo khiến người thương và kẻ được thương đều trở nên phong phú. Trên thế gian này, tình thương là một thứ mà ai cũng có thể cho mà không sợ phung phí. Một tình thương chân thật có giá trị giao hòa, không gì có thể thay thế được. Nó không bao giờ gây hư hại mà chỉ tạo ảnh hưởng tốt lành. Tình thương là một sinh lực có thể chữa trị tất cả mọi bệnh tật và đây là điều khoa học cần chú trọng đến”. “Tình thương là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết để trẻ em nẩy nở tâm lý, tinh thần”. Điều kỳ lạ là trong một cuốn sách về tôn giáo chúng ta lại học hỏi được cách làm cha mẹ, đó là yêu thương những đứa con của mình, đừng viện dẫn sự thiếu thốn về thời gian và vật chất để bỏ mặc con cái.
Đọc Hành trình về phương Đông, tôi rút ra được nhiều bài học cho chính bản thân mình. Đó là muốn sống mạnh khoẻ, an nhiên, tự tại thì hãy buông bỏ mọi thứ vật chất hư ảo. Tôi nhận thấy điểm chung mà các vị đạo sĩ đề cập đến đó là chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho mọi câu hỏi ngay trong chính bản thân ta, kể cả câu hỏi về hạnh phúc. Mọi khổ đau đều do ta gây ra cho chính ta mà thôi. Điều đáng tiếc là chuyến khảo sát phải dừng lại khi bắt đầu có những tiến triển lớn, con đường đến với các vị chân tu đang gần lại. Nhưng dù sao, với chừng đó cuộc gặp gỡ mà các nhà khoa học đã trải qua, tôi nghĩ rằng cũng đã đủ để khiến cho thế giới nói chung và phương Tây nói riêng có những cái nhìn khác về phương Đông – nơi đang ẩn trong nó biết bao giá trị thiêng liêng và đáng quý. Tôi có cảm giác rằng, Hành trình về Phương Đông là hành trình về với cội nguồn, về với ngọn nguồn của sự sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...