Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Review Đi tìm lẽ sống






Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách kinh điển của Viktor Frankl, một nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo, quan trọng hơn, ông là người đã sống sót qua bốn trại tập trung của phát xít Đức. Cuốn sách này, như ông nói “không hướng đến việc thuật lại những sự việc, sự kiện lịch sử…, không chú trọng những điều ghê rợn kinh hoàng, vốn được mô tả khá nhiều (tuy rất ít người tin), mà nó viết về những nỗi dày vò nho nhỏ. Nói cách khác, cuốn sách sẽ tìm cách trả lời câu hỏi: Các tù nhân nghĩ về cuộc sống hàng ngày trong trại tập trung như thế nào?”.
Từ những quan sát và trải nghiệm thực tế ở các trại tập trung, với tư cách là một người tù và dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, ý nghĩa của cuộc sống là gì, những nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng trong địa ngục trần gian này liệu có đem đến một ý nghĩa nào không? Từ đó, ông đã xây dựng nên liệu pháp ý nghĩa hay còn được một số tác giả gọi là “Trường phái thứ ba của Áo về tâm lý liệu pháp”, tập trung vào ý nghĩa của sự hiện hữu của con người cũng như ý nghĩa của việc con người đi tìm lẽ sống của đời mình. Theo liệu pháp ý nghĩa, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống chính là động lực thúc đẩy con người.
Cuốn sách gồm hai phần chính:
Phần 1: Những trải nghiệm trong trại tập trung
Phần 2: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Và phần Tái bút viết năm 1984
Như mở đầu tác giả đã trình bày, cuốn sách này không phải là một cuốn tư liệu lịch sử về những sự việc, sự kiện đã xảy ra trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, nên ở phần đầu, tác giả mặc dù có miêu tả về những nỗi thống khổ của người tù, nhưng phần lớn là những quan sát và kết luận của ông về tâm lý của tù nhân. Ông cố gắng làm sáng tỏ ba giai đoạn phản ứng tinh thần của người tù đối với cuộc sống trong trại: giai đoạn đầu sau khi nhập trại; giai đoạn khi đã quen với cuộc sống trong trại; và giai đoạn sau khi được thả tự do.
Điều làm tôi thấy giá trị khác biệt trong cuốn sách của Viktor Frankl đó là, dù trong bối cảnh cuộc sống trong tù có khắc nghiệt đến thế nào, ông vẫn quan sát và nhận ra được rằng “bất kể tình trạng bị quản thúc về thể xác và áp lực căng thẳng về tinh thần, đời sống nội tâm của các tù nhân trong trại tập trung vẫn rất sâu sắc”. Ông phát hiện ra rằng có một số tù nhân “những người xuất thân là trí thức có thể cảm thấy rất đau đớn về thể xác (do thể chất ốm yếu), nhưng thế giới nội tâm của họ lại rất kiên cường. Họ thường có thể tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp xung quanh để đến với cuộc sống nội tâm phong phú và sự tự do về tinh thần. Chỉ có cách này mới giải thích được nghịch lý tại sao một số tù nhân trông bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người cường tráng khác”; “Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống”. Ông đi đến kết luận “tôi hiểu được làm sao mà một người không còn gì trên thế gian này vẫn biết thế nào là hạnh phúc dù chỉ thoáng qua, đắm chìm trong suy nghĩ về người mình yêu thương. Trong lúc cảm thấy cô độc, khi không thể làm gì tích cực, khi điều duy nhất một người có thể làm là nhẫn nại chịu đựng thì nỗi nhớ về những người yêu thương là niềm hạnh phúc duy nhất của các tù nhân”. Bởi vì, “Tình yêu là mục đích cuối cùng và mục đích cao cả nhất của nhân loại”. Chính bởi tình yêu với con người và cuộc sống không bị bào mòn đi trong trại tập trung nên một số người tù lại càng có đời sống nội tâm sâu sắc hơn bao giờ hết. Vượt lên khung cảnh ảm đạm, xám xịt của nhà tù, họ vẫn nhìn thấy được những vẻ đẹp hiếm hoi của thiên nhiên. Tôi vô cùng xúc động trước chi tiết những người tù khi ngắm cảnh hoàng hôn đã thốt lên “thế giới này sao có thể đẹp đến thế!”. Suy cho cùng, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mà một con người có thể phải chịu đựng trong cuộc đời thì, tình yêu vẫn luôn là cội nguồn sức mạnh để họ vượt lên nghịch cảnh, giữ được phẩm giá của mình.
Một câu hỏi cũng vô cùng sâu sắc mà tác giả đặt ra trong phần này là phải chăng, con người chẳng qua chỉ là một sản phẩm của hoàn cảnh và môi trường xung quanh? Thế còn sự tự do của con người thì sao? Và từ những trải nghiệm trong trại tập trung tác giả kết luận “con người có sự lựa chọn cho hành động của mình… Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất… Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình. Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định. Mỗi một ngày, mỗi một giờ thường đem đến cho ta cơ hội để đưa ra quyết định, quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe doạ cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn.” Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để chúng ta dừng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh với những thất bại của ta, với những điều ta đã đánh mất hoặc không thể đạt được trong đời. Điều này cũng khích lệ chúng ta đừng do dự, đừng lo sợ trước hoàn cảnh khó khăn, bởi, chúng ta luôn tự do để lựa chọn và đưa ra quyết định của chính mình. Chúng ta hoàn toàn có thể tự do lựa chọn và quyết định sống cuộc đời mà mình mong muốn. Tôi vô cùng tâm đắc với những luận điểm sắc bén của tác giả khi ông phê phán thuyết tiền định. Ông cho rằng, thuyết này còn sai lầm và nguy hiểm hơn nhiều sự  đề cao bản năng tình dục trong phân tâm học. Bởi vì theo ông, con người mới là chủ thể quyết định mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của mình, nói cách khác, con người tự do định đoạt số phận của mình, “con người có khả năng biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn cũng như có thể thay đổi chính mình để trở thành người ưu tú hơn”.
Ở phần hai, tác giả trình bày sơ lược về liệu pháp ý nghĩa. Đây là một phương pháp ít hồi tưởng về quá khứ và ít quán xét nội tâm hơn. Liệu pháp ý nghĩa tập trung hơn vào tương lai, tức là vào những ý nghĩa cuộc sống sẽ được bệnh nhân xây đắp trong tương lai. Trong phần này, tác giả đề cập đến “trạng thái tồn tại chân không” – một hiện tượng tâm lý phổ biến của con người ở thế kỳ 20. Đây là trạng thái tâm lý chán nản, buồn phiền, cảm giác vô nghĩa trong cuộc sống. Theo tác giả, đây là những người “có đủ điều kiện để sống nhưng không có lý do để sống; họ có phương tiện sống nhưng không có mục đích sống”. Từ những quan sát của cá nhân tôi thì dường như, khi bước sang thế kỷ 21, con người vẫn mang theo đâu đó những biểu hiện này. Trên mạng xã hội, ngay trong cuộc sống, không hiếm để bắt gặp những con người luôn ủ rũ, chán nản, u buồn trước mọi điều. Câu trả lời cho những người này, đó là “Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và đang sắp phạm phải sai lầm như đã từng phạm phải lần đầu tiên”. Điều này có nghĩa là gì? “Câu châm ngôn ấy đặt con người vào tình thế đối mặt với tính hữu hạn của cuộc sống cũng như hành động cuối cùng mà người đó đã tạo ra cho mình và cho đời. Liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân nhận ra trách nhiệm của bản thân để người đó hiểu được trách nhiệm của mình là để thực thi nhiệm vụ nào, hướng tới mục tiêu gì, hoặc dành cho ai”. Điều này có nghĩa là con người phải có trách nhiệm đối với sự tồn tại của bản thân mình và đối với cuộc sống. Vậy, làm sao chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, để biết rằng, mình không phải là kẻ vô dụng, không có giá trị? Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong cuộc sống theo ba cách khác nhau: (1) tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó; (2) trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó; và (3) bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ”. Theo Franlk, chúng ta có  thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống thậm chí cả khi ta đang trải qua bi kịch cuộc đời.
Ngay trong những ngày tháng tù đày đầy đau khổ, nghiệt ngã, có một câu hỏi luôn chiếm lĩnh tâm trí Viktor Frankl là “Liệu tất cả những đau khổ này, sự chết chóc bao quanh chúng tôi này, có một ý nghĩa nào chăng?”. Đây là câu hỏi đã thúc đẩy ông tiến về phía trước vì rút cuộc, ông hiểu rằng, những khổ đau mà mình đang chịu đựng này thực sự có ý nghĩa. Từ những đúc rút của Viktor Frankl ta cũng hiểu rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi “vì điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thật sự của bản thân, vốn có thể thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân”. Trong cuộc sống hằng ngày, có đôi khi chúng ta có thể nản lòng vì một điều gì đó, thì hãy luôn nhớ rằng, khi có một mục tiêu để hướng đến và với tinh thần chịu trách nhiệm đến cùng sẽ khiến cho sự tồn tại của chúng ta thực sự có ý nghĩa.
Có một điều tôi rất trân trọng khi đọc cuốn sách này, đó là nó đề cao giá trị của quá khứ, “Ở đó, mọi việc đều đã hoàn thành và không gì có thể phá bỏ. Tôi phải nói rằng đã từng sống là một hình thức chắc chắn nhất của sự tồn tại”. Chính bởi vì đã sống một cuộc đời ý nghĩa nên chúng ta sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi thời gian trôi đi, không bao giờ phải ghen tị với tuổi trẻ của ai đó; “thay cho các khả năng, tôi có những sự việc thực trong quá khứ, không chỉ thực tế về công việc đã làm và tình yêu đã có, mà cả về những đau khổ mà tôi đã dũng cảm trải qua”.
Liệu pháp ý nghĩa cũng cung cấp cho chúng ta một kỹ thuật để chữa lành hầu hết mọi nỗi sợ hãi, lo lắng của con người, đó là “suy nghĩ đảo nghịch” “theo hai phương diện rằng nỗi sợ sẽ biến điều mà một người lo sợ thành sự thật, và rằng sự mong muốn quá mức một điều nào đó sẽ khiến cho một người không thể đạt được điều ấy”. Tôi sẽ thử áp dụng phương pháp đảo nghịch này để cải thiện nỗi sợ phải phát biểu trước đám đông và hy vọng rằng nó sẽ thành công.
Tôi đã từng thích một câu cách ngôn như thế này: Hạnh phúc là có một công việc để làm, một người để yêu và một điều gì đó để chờ đợi. Sau khi đọc xong Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl, tôi mới hiểu, câu nói này mang đậm tinh thần của Liệu pháp ý nghĩa. Tôi cũng rất thích những ý nghĩa ẩn sau tựa đề cho cuốn sách xuất bản bằng tiếng Đức của ông “Hãy nó Có với cuộc sống, bất kể mọi việc có như thế nào chăng nữa”. Câu này hàm ý rằng “cuộc đời vẫn còn nhiều ý nghĩa tiềm ẩn trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong những tình huống khốn khổ nhất”. Bất kể trong tình huống nào, hãy tạo ra điều tốt nhất.
Đi tìm lẽ sống thực sự là một cuốn sách tuyệt vời, là kim chỉ nam để ta có một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn nhất, để ta không phải tiếc nuối khi bóc những tờ lịch trên tường.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...