Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

[Review sách] Quiet - Sức mạnh của người hướng nội




Tôi được người bạn giới thiệu cuốn Im lặng – một cuốn sách viết về người hướng nội của Susan Cain. Thực ra, lúc đầu tôi cũng không hứng thú lắm vì tôi sinh ra và lớn lên ở một xã hội phương Đông truyền thống nên ít bị áp lực về việc phải là một người hướng ngoại thì mới thành công như ở những nước phương Tây (nơi điều đó đã trở thành ám ảnh, thậm chí là bắt buộc – như tác giả viết). Nhưng càng đọc tôi càng bị hút vào cuốn sách. Lần đầu tiên tôi được soi rọi bản thân mình dưới một góc nhìn khoa học và hoàn toàn bị thu hút với những gì tôi khám phá được trong cuốn sách này. Trong xã hội chúng tôi, người ta cũng không quá chú tâm lắm về tính hướng nội hay hướng ngoại (thậm chí lâu nay tôi cũng không thích cả cách phân biệt người hướng nội và người hướng ngoại nữa, tôi thấy cách phân chia này mang tính áp đặt). Nhưng kể cả như thế, thì tôi nhận thấy rằng, những người hoạt ngôn, vui vẻ, có tính quảng giao vẫn luôn nổi bật trong đám đông. Và không ít lần, tôi đã phải tự vấn bản thân về việc ít giao du của mình. Thậm chí là cảm thấy tội lỗi khi từ chối lời mời tham gia những cuộc vui để lui về thế giới của mình với những cuốn sách. Đôi khi, tôi thấy mình sống hơi tách biệt, dù rằng tôi hoàn toàn thoải mái với điều đó. Nhưng cái cảm giác khác người, lập dị vẫn phảng phất đâu đó, trong suy nghĩ của tôi, và của những người xung quanh tôi. Thậm chí, tôi đã cố gắng thay đổi bản thân vì tôi luôn tin rằng “tính cách làm nên số phận”. Nhưng, tôi đã hoàn toàn nhẹ nhõm khi đọc được trong cuốn Im lặng điều này “chúng ta được sinh ra với một hệ tính khí đã được đóng gói sẵn, và nó có thể định hình tính cách khi đã là người lớn của chúng ta một cách vô cùng mạnh mẽ”  “rằng chúng ta có thể tác động làm thay đổi tính cách của mình, nhưng chỉ đến được một mức độ nhất định mà thôi. Bản tính bẩm sinh của chúng ta có tác động tới chúng ta, bất kể chúng ta có sống cuộc sống của mình như thế nào. Một phần đáng kể trong việc chúng ta là ai được định đoạt bởi các gen của chúng ta, bởi bộ não của chúng ta, bởi hệ thần kinh của chúng ta”. Giờ thì tôi thấy nhẹ nhõm vì đã thông hiểu, tôi biết rằng, tôi hành động như thế vì đó là bản tính tự nhiên của tôi. Và không việc gì phải gồng mình lên để trở thành một ai khác.
Tôi cũng học được từ cuốn sách rằng, người hướng nội và người hướng ngoại thực ra chỉ khác nhau ở việc ưa chuộng các mức độ kích thích khác nhau mà thôi. “Người hướng nội ưa thích đóng chặt cửa văn phòng lại và cắm đầu vào công việc, bởi với họ kiểu hoạt động trí não trong tĩnh lặng này là mức độ kích thích lý tưởng; trong khi người hướng ngoại hoạt động hiệu quả nhất khi được tham gia vào những sự kiện náo nhiệt như tổ chức những buổi học kỹ năng đồng đội (team-building), hay điều hành những buổi họp”. Eysenck cho rằng “người hướng nội có những kênh tiếp nhận mở rộng, khiến họ luôn bị quá tải với các kích thích và trở nên quá-phấn-khích (over-aroused); trong khi những người hướng ngoại có các kênh hẹp hơn, khiến họ thường bị kém-phấn-khích (under-aroused). Quá-phấn- khích khiến bạn cảm thấy mình đã chịu quá đủ rồi, và muốn về nhà ngay lập tức”. Tôi hiểu rằng, người hướng nội cũng có những sức mạnh vô cùng lớn lao, đó là khả năng tập trung, sự kiên trì, tính nhẫn nại và khả năng sống một cuộc đời dẫu không sôi nổi nhưng sẽ rất sâu sắc. Tôi thích những lời khuyên sáng suốt này: “Nếu bạn là một người hướng nội, hãy tìm lấy sự phiêu bằng cách dùng những tài năng thiên phú của chính bạn. Bạn có sức mạnh của sự kiên trì, của quyết tâm để giải quyết những vấn đề phức tạp, và sự sáng suốt để tránh những hố bẫy có thể dễ dàng làm người khác vấp ngã. Bạn tận hưởng cảm giác tự do khỏi sức cám dỗ của những phần thưởng phù phiếm như tiền bạc hay địa vị. Thực sự, thử thách lớn nhất cả bạn có lại là ở việc khai thác được toàn bộ sức mạnh của chính bạn”. “Vậy nên hãy trung thành với con người thật của bạn. Nếu bạn thích làm mọi việc một cách chậm mà chắc, đừng để những người khác khiến bạn cảm thấy mình phải chạy đua với họ. Nếu bạn yêu thích bề sâu, đừng cố ép bản thân đi tìm bề rộng. Nếu bạn ưa giải quyết từng việc một hơn là làm nhiều việc cùng lúc (multitasking), hãy cứ làm mọi thứ theo cách của bạn. Việc gần như là miễn dịch với cám dỗ từ phần thưởng cho bạn một sức mạnh không thể đong đếm được để làm chính bạn. Việc sử dụng sự tự do đó để đạt được hiệu quả cao nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn”. Và tôi cũng sẽ hoàn toàn thoải mái và tự tin để sắp xếp cuộc sống của mình sao cho thoả mãn nhất bằng cách đặt mình vào trong những môi trường có lợi hơn cho tính cách của mình mà không còn cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi nữa.
Cuốn sách cũng đề cập đến một vấn đề rất hay nữa, đó là “người hướng nội hoàn toàn có khả năng hành động được như người hướng ngoại, nếu đó là vì những công việc mà họ cho là quan trọng, những người mà họ yêu quý, hay bất cứ điều gì mà họ đề cao”. Và “cách tốt nhất để hành động vượt ra ngoài tính cách là trung thành với con người thật của bạn đến hết mức có thể—bắt đầu bằng việc tạo ra càng nhiều “điểm hồi phục”(“restorative niche”) càng tốt trong cuộc sống hàng ngày của bạn”. Điều đó giải thích cho việc khi được làm những công việc yêu thích hoặc khi tham gia những sự kiện thú vị, tôi hoàn toàn có thể cởi mở và trò chuyện như một người quảng giao.
Cuốn sách của Susan Cain đã khai mở cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Càng hiểu về người hướng nội tôi lại càng trân trọng những nét tính cách đó của mình. Một điều nữa làm tôi hết sức cảm động trong cuốn sách này đó là phần tác giả viết về việc nuôi dạy những đứa trẻ hướng nội. Tôi hy vọng những ông bố bà mẹ đọc cuốn sách này, đặc biệt là phần này để có những gợi ý sáng suốt nhất để biết “Làm thế nào Để Nuôi Dạy Những Đứa Con Trầm Tính Của Bạn, trong một Thế Giới Không Thể Nghe Thấy Chúng”. Lời khuyên khôn ngoan nhất có lẽ là “đừng nghĩ về sự hướng nội như thứ gì đó cần được chữa trị. Nếu một đứa trẻ hướng nội cần sự giúp đỡ ở các kỹ năng giao tiếp, hãy dạy nó hoặc gợi ý một nơi đào tạo nào đó bên ngoài lớp học, cũng hệt như cách bạn sẽ làm khi một em học sinh cần được phụ đạo thêm về toán hay ngoại ngữ vậy. Nhưng hãy mừng cho các em vì việc là chính bản thân các em”. Và “nếu con bạn là một đứa trẻ trầm tính, hãy giúp đỡ để chúng có thể ứng phó tốt với những tình huống bất ngờ hay những người chúng mới gặp lần đầu; nhưng ngoài những việc đó ra, xin hãy cứ để cho chúng là chính mình. Hãy vui mừng khi con mình có một tư duy độc đáo. Hãy tự hào bởi chúng sẽ có một lương tâm lành vững và những tình bạn trung thành. Đừng mong cho chúng biết chạy theo số đông; thay vào đó, xin hãy tạo điều kiện để chúng có thể theo đuổi đam mê của chính mình. Và hãy mừng cho con khi chúng gặt hái được thành quả từ những đam mê đó, dẫu cho chúng có là thành quả trên dàn trống của một ban nhạc, thành quả ở môn bóng mềm, hay thành quả trên những trang sách”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...