Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Review sách Đời ngắn đừng ngủ dài




Tôi vừa đọc xong cuốn Đời ngắn đừng ngủ dài của Robin Sharma. Một cuốn sách tuyệt vời. Đây là lần thứ hai tôi đọc cuốn sách này, càng đọc tôi càng chiêm nghiệm ra nhiều điều. Nhưng có lẽ điều cốt lõi nhất mà cuốn sách đề cập đến đã khiến cho tôi bị chấn động mạnh, đó chính là tư tưởng đừng lựa chọn những điều dễ dàng trong cuộc sống để rồi sống một cuộc đời tầm thường, đừng lãng phí những điều tốt đẹp của chính bản thân mình. Càng đọc tôi càng thấm thía điều này, bởi lẽ, trong những năm qua, tôi đã làm chính xác những điều tác giả khuyên chúng ta không nên làm, đó là, lãng phí bản thân, lãng phí cuộc đời. Cuốn sách khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã đọc đi đọc lại những câu như thế này:
“Những lựa chọn hàng ngày sẽ khắc họa định mệnh mỗi người. Từng ngày. Từng tuần. Từng tháng. Từng năm”.
“Cuộc sống ưu đãi những ai tận lực”.
“Sự thèm muốn được an nhàn sẽ giết chết niềm đam mê của con người.”
“Có những cơ hội không bao giờ trở lại. Đừng lựa chọn sự hối tiếc”.
“Hãy làm hết sức – rồi để cuộc đời làm phần còn lại”.
“Đừng chịu an phận. Học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Phải khỏe mạnh –không, phải cực kỳ khỏe mạnh (buồn thay người ta chỉ quan tâm đến sức khỏe một khi đã đánh mất nó). Hãy nổi bật với công việc mình làm. Hãy giỏi tay nghề đến nỗi công ty sẽ đình trệ nếu không có bạn. Hãy thân thiện hết mức. Hãy biết thông cảm và đầy lòng trắc ẩn. Hãy tài giỏi và dễ mến”.
“Sự tự do tuyệt đối của con người: khả năng lựa chọn cách đáp trả và giải quyết bất cứ sự việc nào xảy đến với ta. Chúng ta có thể tìm kiếm điều tốt đẹp hoặc để bị ám ảnh bởi những điều tồi tệ. Frankl đã viết: “Người ta có thể lấy đi tất cả trừ một thứ, một quyền tự do cuối cùng của con người: lựa chọn thái độ trước những hoàn cảnh ập đến, lựa chọn một lối đi.”
“Những người trên 65 tuổi khi được hỏi ‘nếu sống lại cuộc đời, bạn sẽ sống khác ra sao?’ và họ nói ba điều: Tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và hỏi những câu hỏi quan trọng. Tôi sẽ can đảm hơn và chấp nhận nhiều rủi ro hơn trong công việc và tình yêu. Tôi sẽ sống có mục đích – để tạo nên sự khác biệt.” Đó là tất cả ý nghĩa.
Có những câu hỏi khiến tôi giật mình và thức tỉnh:
“Tại sao nhiều người cố tình không muốn nổi bật?”
“Có một điều gì tôi sẽ làm hôm nay để sau khi thực hiện, cuộc sống, sự nghiệp cũng như bản thân tôi sẽ tiến lên cấp độ mới?”.
“Di sản nào bạn tạo nên trong đời để thế hệ mai sau sẽ biết bạn từng tồn tại? Bạn sẽ thực hiện hành động cao quý nào, thái độ can trường nào ngay tại Giây Phút Này để giải phóng cho sự vĩ đại đang ngủ say trong bạn, giúp nó ra trước ánh sáng của Ngày Hôm Nay? Tài sản quí giá nhất của bạn sẽ trông như thế nào? Và cuối cùng, bạn đã làm gì với những tài năng mình được ban tặng? Hãy tự vấn lương tâm”.
Những lời khuyên thông thái và những câu hỏi khiến tôi không thể chỉ đọc và hờ hững lướt qua được. Tôi đã lập danh sách những rào cản vô hình của tôi, để như tác giả nói “Ý thức về chúng. Quan sát chúng. Thách thức chúng”. Quan trọng hơn, tôi đã dành thời gian để nhìn nhận những điều tôi thực sự MUỐN có trong cuộc đời này.
Người ta vẫn hay nói rằng, có những cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời của một người. Tôi tin Đời ngắn đừng ngủ dài là một cuốn sách như thế. 101 phần là 101 lời khuyên khôn ngoan và chân thành của tác giả để chúng ta có thể hoàn thiện bản thân, xây dựng một cuộc đời như ta hằng mong muốn. Tôi tin, nếu mỗi chúng ta suy ngẫm về những điều đó và từng ngày thực hành chúng thì ta sẽ có một cuộc đời tốt đẹp và phong phú. Tôi thích tinh thần mà cuốn sách này mang lại – tinh thần vượt lên những rào cản vô hình mà chúng ta đang tự mình dựng lên để ngăn cách mình với một cuộc sống tốt đẹp hơn mà ta đáng được hưởng. Và không có điều gì là miễn phí, nếu ta muốn một cuộc đời tốt đẹp thì ta phải chiến đấu để giành được nó, trong đó, chiến đấu với chính bản thân mình là điều quan trọng nhất, bởi vì “những điều tốt nhất trong đời đều đòi hỏi nỗ lực, cam kết và kỷ luật”. Nhưng, đừng sợ, đừng nản chí bởi vì “cái giá của kỷ luật bao giờ cũng rẻ hơn cái giá của nỗi đau hối tiếc” và “hai mươi năm sau, bạn sẽ hối tiếc về những gì đã không làm hơn là những gì đã làm. Vậy, hãy quẳng dây neo đi. Dong buồm xa khỏi bến đỗ an lành. Xuôi theo chiều gió. Thám hiểm, ước mơ. Khám phá".
Và cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng: “Cuộc đời là để sống”. Vì thế, “Hãy quên đi những gì người ta từng nói. Đừng nghe những tư tưởng nhỏ mọn. Hãy bịt tai trước những lời chỉ trích. Hãy tin vào sự thật: Bạn sinh ra để làm những điều lớn lao trong đời mình. Để ra ngoài thế giới và nổi bật lên. Mỗi lần bạn từ chối lời mời gọi ấy, bạn đã phản bội chính bản thân. Hãy tôn vinh mình. Hãy khiến hôm nay –và cuộc đời –trở nên đặc biệt không thể nào quên. Một bước nhỏ bé chắc chắn sẽ tạo nên kết quả khổng lồ theo thời gian. Hãy nhớ con người thật của mình mà bạn được tạo nên để trở thành: một lãnh đạo không cần danh phận, một con người duy nhất, một người khiến cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...