Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

7 thói quen để thành đạt





         Đây có lẽ là cuốn sách đã quá quen thuộc đối với nhiều người. Bản thân tôi cũng đã từng nghe rất nhiều lần về cuốn sách này nhưng mãi đến gần đây tôi mới dành thời gian cho nó. Có lẽ trong tâm thức, tôi đã hơi kỳ thị cái tiêu đề của cuốn sách "7 thói quen để thành đạt" - nghe như thể một cuốn sách rao giảng một số công thức nào đó để trở thành người thành công trong xã hội, thật nhàm chán, tẻ nhạt và hơi phi thực tế. Nhưng khi bắt đầu đọc thì tôi biết mình đã nhầm. Đây là cuốn sách dành cho những người muốn rèn luyện bản thân để thay đổi chính bản thân mình, trở thành một người sống có kỷ luật, có trách nhiệm - sự thay đổi ngay trong chính mỗi người (không phải là thay đổi người khác hay tác động đến người khác) và đó chính là con đường để chúng ta thành công trong cuộc sống. Vậy, 7 thói quen đó là gì?
        Thói quen thứ nhất: LUÔN LUÔN CHỦ ĐỘNG
Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta luôn ở tình cảnh "nước đến chân mới nhảy" và khi nước nhấn chìm chúng ta, mọi sự trở nên rối ren, thất bại, chúng ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Nhưng nếu ta rèn được thói quen này, chúng ta có lẽ sẽ ít khi phải ở trong tình cảnh bị động, lúng túng và tất nhiên, kết quả cũng sẽ thay đổi. Thói quen thứ nhất cho rằng "Bạn là người sáng tạo mọi thứ và chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nó dựa vào bốn khả năng thiên phú của con người là trí tưởng tượng, lương tâm, ý chí độc lập, và đặc biệt là khả năng tự nhận thức".
          Thói quen thứ hai: BẮT ĐẦU TỪ MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH
Điều tôi thích nhất ở chương này đó là lời khuyên của tác giả, khi ông khuyên nên dành thời gian để viết bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân. Nghe thì có vẻ to tát và hơi ra kiểu vẽ chuyện, nhưng đó là một việc làm hết sức thiết thực. Tôi đã dành ra một buổi tối để nghĩ về con người mà tôi muốn mình trở thành, về cuộc đời mà tôi muốn xây dựng cho bản thân mình. Thực ra, những suy nghĩ này luôn đến một cách tản mạn, lúc này, lúc khác bất chợt đối với chúng ta, nhưng nếu dành thời gian, ta sẽ hình dung một cách rõ ràng và có hệ thống. Và không gì thú vị hơn là việc viết một bản tuyên ngôn sứ mệnh của cá nhân, nếu mạnh dạn và quyết liệt hơn nữa, bạn có thể đóng khung nó rồi treo một cách trang trọng lên tường, nơi bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy nó để nhắc nhở bản thân mình.
          Thói quen thứ ba: ƯU  TIÊN CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Bạn luôn thấy mình bận rộn? Có vẻ như 24 giờ mỗi ngày vẫn là không đủ đối với mỗi chúng ta. Tôi cũng từng như thế, từng ước rằng, giá một ngày có 48 tiếng hoặc hơn, bởi vì có quá nhiều việc cần phải làm. Nhiều khi, chúng ta sẽ đổ lỗi cho việc mình sắp xếp công việc không khoa học. Điều đó đúng, nhưng hơi mơ hồ. Bằng việc công bố ma trận quản trị thời gian, Stephen R. Covey cho chúng ta thấy chỗ không khoa học trong cách sắp xếp thời gian của mình là ở đâu.

MA TRẬN QUẢN TRỊ THỜI GIAN
Khẩn cấp
Không khẩn cấp
I
CÁC HỌAT ĐỘNG
Khủng hoảng
Các vấn đề cấp bách
Các dự án đến thời hạn
II
CÁC HỌAT ĐỘNG
Dự phòng các họat động PC
Xây dựng quan hệ
Nhận diện các cơ hội mới
Lập kế hoạch, giải trí
III
CÁC HỌAT ĐỘNG
Những việc đột xuất, các cuộc điện thoại
Một số thư từ, báo cáo
Một số cuộc họp
Những vấn đề tương đối bức xúc
Các hoạt động quần chúng
IV
CÁC HỌAT ĐỘNG
Các việc vặt nhưng bận rộn
Một số thư từ
Một số cuộc điện thoại
Những việc lãng phí thời gian
Những họat động vui chơi, giải trí
Nhìn vào bảng ma trận quản trị thời gian này, chúng ta sẽ nhận ra đâu là những việc nên ưu tiên làm để đạt được kết quả tốt, tức là việc dành thời gian để thực hiện những việc này trước hết sẽ có ích cho sứ mệnh, các giá trị và mục tiêu hàng đầu của bạn. Phản ứng thường thấy của chúng ta là dành thời gian trước hết cho những công việc khẩn cấp nhưng nhiều khi lại không thực sự quan trọng và không giúp ích gì nhiều cho việc  thực hiện mục tiêu của mình. Trong khi đó, có những việc không khẩn cấp nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với việc hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình chúng ta lại bỏ qua, phần nhiều là do chúng ta chưa thực sự chủ động. Do đó, việc nhận diện được những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp là cực kỳ quan trọng. Muốn thế, chúng ta phải biết được một cách rõ ràng điều mình muốn và kết quả được trông đợi, tức là ta phải có thói quen thứ nhất và thứ hai. Như tác giả nói "thực chất của việc quản trị thời gian và quản lý cuộc sống hiệu quả là tổ chức và thực hiện các ưu tiên đã được cân đối".
        Thói quan thứ tư: TƯ DUY CÙNG THẮNG
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta luôn có tâm lý hơn thua, nhưng trong cuốn sách này, ta sẽ biết thêm một số dạng tâm lý khác và lời khuyên ở đây là khi làm việc với những người khác, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu các nhu cầu và các mối quan tâm của họ, từ đó, có thể nhận diện được những phương án mới có thể đáp ứng được mong muốn của cả đôi bên. Như tác giả nói, cuộc sống không phải lúc nào cũng là "có" hoặc "không", hầu như luôn có các giải pháp cho mọi vấn đề.
       Thói quen thứ năm: LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU
Tôi rất tâm đắc với nhận định này "đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu người khác, mà để đối đáp". Thật chí lý. Đó là thực tế diễn ra hằng ngày trong đa số các cuộc đối thoại. Có lẽ chúng ta chỉ nghe để biết nội dung và trong lúc đó, là suy nghĩ luôn câu trả lời hoặc phản ứng để đáp lại. Rất ít người có thể lắng nghe một cách hoàn toàn, thấu hiểu và chia sẻ cảm nhận của người nói. "Bản chất của lắng nghe thấu hiểu không phải ở chỗ bạn đồng ý với người khác, mà là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ". 
          Thói quen thứ sáu: ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
Có lẽ không ai là không biết được giá trị của việc đồng tâm hiệp lực, từ những cá thể đơn lẻ với sức mạnh đơn lẻ, nếu cùng nhau, chúng ta sẽ có sức mạnh vô địch. Nhưng làm thế nào để đồng tâm hiệp lực? Câu trả lời đó là: coi trọng sự khác biệt - đó là sự khác biệt về mặt trí tuệ, tình cảm, tâm lý giữa những con người khác nhau. Và để đồng tâm hiệp lực được thì phải nhận thức được rằng, ai cũng có cái nhìn riêng về thế giới, có quan điểm riêng. Chỉ khi chúng ta chấp nhận điều đó ở người khác thì mới có thể đồng tâm hiệp lực, hợp tác, sáng tạo và tạo nên sức mạnh vô song được.
          Thói quen thứ bảy: RÈN GIŨA BẢN THÂN
Tôi rất thích cái tiêu đề này, "rèn giũa" chứ không phải là "rèn luyện", nó khiến tôi có cảm giác đó là cả một quá trình chuyển động một cách chủ động, có chủ đích, thậm chí có thể điều chỉnh và tích lũy từng chút một, có khi là những hành vi nhỏ thôi nhưng theo thời gian nó sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao. Rèn giũa bản thân ở cả ba mặt: thể chất, tinh thần và trí tuệ. Tôi cũng có cùng niềm tin với tác giả, rằng "sống với chính bản thân mình là nguồn gốc cơ bản nhất của giá trị cá nhân". Để có cuộc sống thành đạt không phải là thay đổi hành vi, lời ăn tiếng nói của mình cho phù hợp với mong muốn của người khác mà là rèn giũa những thói quen tích cực để suy nghĩ, lựa chọn và hành động phù hợp với mục tiêu, các nguyên tắc và giá trị đích thực của chính bản thân mình. Đó chính là một cuộc sống thành đạt, hay  chính là "Tôi muốn sống cuộc đời như tôi muốn" - tiêu đề của một cuốn sách khác mà tôi cũng rất yêu thích.

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...