Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates




       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ là thuật ngữ cách mạng công nghiệp 4.0. Người ta nói nhiều về việc nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ tư, khi mà trí tuệ AI ngày càng được ứng dụng một cách rộng rãi, internet kết nối vạn vật...., con người đang được giải phóng sức lao động hơn bao giờ hết vì những bước tiến dài của công nghệ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu và nói một cách rõ ràng, rành mạch về những thành tựu này, về những gì mà chúng ta được được hưởng thụ, đã và đang trải qua. Nhưng cách đây 25 năm, có một người đã miêu tả bằng thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu về tương lai của nhân loại, khi mà xa lộ thông tin hình thành, kết nối các mạng lưới với nhau - người đó chính là Bill Gates, "ông trùm" của giới công nghệ. Ông đã cung cấp cho độc giả đương thời, tức là những người đọc cuốn sách này 25 năm trước và cả độc giả ngày nay, một bức tranh khá hoàn chỉnh về con đường mà thế giới sẽ trải qua, con đường mà với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin sẽ mở ra cho chúng ta vô hạn khả năng trong cuộc sống. Có những điều ông viết trong cuốn sách nay đã trở thành hiện thực như một số ứng dụng của công nghệ trong kinh doanh hay trong giáo dục...., những cũng có những điều mà nhân loại đang chinh phục và chắc chắn là sẽ đạt được. Điều mà tôi vô cùng tâm đắc khi đọc cuốn sách này của ông là công nghệ, khoa học, kỹ thuật là sức mạnh có thể làm nên những điều thần kỳ nhưng con người vẫn là chủ nhân của nó, chúng ta không sợ bị những tiến bộ của công nghệ chiếm lĩnh như trong các bộ phim giả tưởng mà ngược lại, nó giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, như ông nói, người bình thường của thế kỷ này cũng đã sung sướng hơn rất nhiều những vị quý tộc giàu sang nhất của những thế kỷ trước bởi vì chúng ta được tận hưởng những tiện ích mà công nghệ mang lại. Đây là một cuốn sách tuyệt vời giúp chúng ta nhận diện được thế giới mà mình đang sống và cả cách mà nó đang vận hành. Hãy đọc, chiêm nghiệm, và cả ước mơ. Tôi mơ một ngày nào đó chúng ta sẽ được sống trong những ngôi nhà như cái mà Bill Gates đã mô tả trong cuốn sách này, một sản phẩm tuyệt vời của công nghệ. Tôi tin là ai cũng sẽ thích nó.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

7 thói quen để thành đạt





         Đây có lẽ là cuốn sách đã quá quen thuộc đối với nhiều người. Bản thân tôi cũng đã từng nghe rất nhiều lần về cuốn sách này nhưng mãi đến gần đây tôi mới dành thời gian cho nó. Có lẽ trong tâm thức, tôi đã hơi kỳ thị cái tiêu đề của cuốn sách "7 thói quen để thành đạt" - nghe như thể một cuốn sách rao giảng một số công thức nào đó để trở thành người thành công trong xã hội, thật nhàm chán, tẻ nhạt và hơi phi thực tế. Nhưng khi bắt đầu đọc thì tôi biết mình đã nhầm. Đây là cuốn sách dành cho những người muốn rèn luyện bản thân để thay đổi chính bản thân mình, trở thành một người sống có kỷ luật, có trách nhiệm - sự thay đổi ngay trong chính mỗi người (không phải là thay đổi người khác hay tác động đến người khác) và đó chính là con đường để chúng ta thành công trong cuộc sống. Vậy, 7 thói quen đó là gì?
        Thói quen thứ nhất: LUÔN LUÔN CHỦ ĐỘNG
Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta luôn ở tình cảnh "nước đến chân mới nhảy" và khi nước nhấn chìm chúng ta, mọi sự trở nên rối ren, thất bại, chúng ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Nhưng nếu ta rèn được thói quen này, chúng ta có lẽ sẽ ít khi phải ở trong tình cảnh bị động, lúng túng và tất nhiên, kết quả cũng sẽ thay đổi. Thói quen thứ nhất cho rằng "Bạn là người sáng tạo mọi thứ và chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nó dựa vào bốn khả năng thiên phú của con người là trí tưởng tượng, lương tâm, ý chí độc lập, và đặc biệt là khả năng tự nhận thức".
          Thói quen thứ hai: BẮT ĐẦU TỪ MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH
Điều tôi thích nhất ở chương này đó là lời khuyên của tác giả, khi ông khuyên nên dành thời gian để viết bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân. Nghe thì có vẻ to tát và hơi ra kiểu vẽ chuyện, nhưng đó là một việc làm hết sức thiết thực. Tôi đã dành ra một buổi tối để nghĩ về con người mà tôi muốn mình trở thành, về cuộc đời mà tôi muốn xây dựng cho bản thân mình. Thực ra, những suy nghĩ này luôn đến một cách tản mạn, lúc này, lúc khác bất chợt đối với chúng ta, nhưng nếu dành thời gian, ta sẽ hình dung một cách rõ ràng và có hệ thống. Và không gì thú vị hơn là việc viết một bản tuyên ngôn sứ mệnh của cá nhân, nếu mạnh dạn và quyết liệt hơn nữa, bạn có thể đóng khung nó rồi treo một cách trang trọng lên tường, nơi bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy nó để nhắc nhở bản thân mình.
          Thói quen thứ ba: ƯU  TIÊN CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Bạn luôn thấy mình bận rộn? Có vẻ như 24 giờ mỗi ngày vẫn là không đủ đối với mỗi chúng ta. Tôi cũng từng như thế, từng ước rằng, giá một ngày có 48 tiếng hoặc hơn, bởi vì có quá nhiều việc cần phải làm. Nhiều khi, chúng ta sẽ đổ lỗi cho việc mình sắp xếp công việc không khoa học. Điều đó đúng, nhưng hơi mơ hồ. Bằng việc công bố ma trận quản trị thời gian, Stephen R. Covey cho chúng ta thấy chỗ không khoa học trong cách sắp xếp thời gian của mình là ở đâu.

MA TRẬN QUẢN TRỊ THỜI GIAN
Khẩn cấp
Không khẩn cấp
I
CÁC HỌAT ĐỘNG
Khủng hoảng
Các vấn đề cấp bách
Các dự án đến thời hạn
II
CÁC HỌAT ĐỘNG
Dự phòng các họat động PC
Xây dựng quan hệ
Nhận diện các cơ hội mới
Lập kế hoạch, giải trí
III
CÁC HỌAT ĐỘNG
Những việc đột xuất, các cuộc điện thoại
Một số thư từ, báo cáo
Một số cuộc họp
Những vấn đề tương đối bức xúc
Các hoạt động quần chúng
IV
CÁC HỌAT ĐỘNG
Các việc vặt nhưng bận rộn
Một số thư từ
Một số cuộc điện thoại
Những việc lãng phí thời gian
Những họat động vui chơi, giải trí
Nhìn vào bảng ma trận quản trị thời gian này, chúng ta sẽ nhận ra đâu là những việc nên ưu tiên làm để đạt được kết quả tốt, tức là việc dành thời gian để thực hiện những việc này trước hết sẽ có ích cho sứ mệnh, các giá trị và mục tiêu hàng đầu của bạn. Phản ứng thường thấy của chúng ta là dành thời gian trước hết cho những công việc khẩn cấp nhưng nhiều khi lại không thực sự quan trọng và không giúp ích gì nhiều cho việc  thực hiện mục tiêu của mình. Trong khi đó, có những việc không khẩn cấp nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với việc hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình chúng ta lại bỏ qua, phần nhiều là do chúng ta chưa thực sự chủ động. Do đó, việc nhận diện được những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp là cực kỳ quan trọng. Muốn thế, chúng ta phải biết được một cách rõ ràng điều mình muốn và kết quả được trông đợi, tức là ta phải có thói quen thứ nhất và thứ hai. Như tác giả nói "thực chất của việc quản trị thời gian và quản lý cuộc sống hiệu quả là tổ chức và thực hiện các ưu tiên đã được cân đối".
        Thói quan thứ tư: TƯ DUY CÙNG THẮNG
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta luôn có tâm lý hơn thua, nhưng trong cuốn sách này, ta sẽ biết thêm một số dạng tâm lý khác và lời khuyên ở đây là khi làm việc với những người khác, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu các nhu cầu và các mối quan tâm của họ, từ đó, có thể nhận diện được những phương án mới có thể đáp ứng được mong muốn của cả đôi bên. Như tác giả nói, cuộc sống không phải lúc nào cũng là "có" hoặc "không", hầu như luôn có các giải pháp cho mọi vấn đề.
       Thói quen thứ năm: LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU
Tôi rất tâm đắc với nhận định này "đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu người khác, mà để đối đáp". Thật chí lý. Đó là thực tế diễn ra hằng ngày trong đa số các cuộc đối thoại. Có lẽ chúng ta chỉ nghe để biết nội dung và trong lúc đó, là suy nghĩ luôn câu trả lời hoặc phản ứng để đáp lại. Rất ít người có thể lắng nghe một cách hoàn toàn, thấu hiểu và chia sẻ cảm nhận của người nói. "Bản chất của lắng nghe thấu hiểu không phải ở chỗ bạn đồng ý với người khác, mà là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ". 
          Thói quen thứ sáu: ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
Có lẽ không ai là không biết được giá trị của việc đồng tâm hiệp lực, từ những cá thể đơn lẻ với sức mạnh đơn lẻ, nếu cùng nhau, chúng ta sẽ có sức mạnh vô địch. Nhưng làm thế nào để đồng tâm hiệp lực? Câu trả lời đó là: coi trọng sự khác biệt - đó là sự khác biệt về mặt trí tuệ, tình cảm, tâm lý giữa những con người khác nhau. Và để đồng tâm hiệp lực được thì phải nhận thức được rằng, ai cũng có cái nhìn riêng về thế giới, có quan điểm riêng. Chỉ khi chúng ta chấp nhận điều đó ở người khác thì mới có thể đồng tâm hiệp lực, hợp tác, sáng tạo và tạo nên sức mạnh vô song được.
          Thói quen thứ bảy: RÈN GIŨA BẢN THÂN
Tôi rất thích cái tiêu đề này, "rèn giũa" chứ không phải là "rèn luyện", nó khiến tôi có cảm giác đó là cả một quá trình chuyển động một cách chủ động, có chủ đích, thậm chí có thể điều chỉnh và tích lũy từng chút một, có khi là những hành vi nhỏ thôi nhưng theo thời gian nó sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao. Rèn giũa bản thân ở cả ba mặt: thể chất, tinh thần và trí tuệ. Tôi cũng có cùng niềm tin với tác giả, rằng "sống với chính bản thân mình là nguồn gốc cơ bản nhất của giá trị cá nhân". Để có cuộc sống thành đạt không phải là thay đổi hành vi, lời ăn tiếng nói của mình cho phù hợp với mong muốn của người khác mà là rèn giũa những thói quen tích cực để suy nghĩ, lựa chọn và hành động phù hợp với mục tiêu, các nguyên tắc và giá trị đích thực của chính bản thân mình. Đó chính là một cuộc sống thành đạt, hay  chính là "Tôi muốn sống cuộc đời như tôi muốn" - tiêu đề của một cuốn sách khác mà tôi cũng rất yêu thích.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

[Cảm nhận về truyện] Anna Karenina - Lev Nikolayevich Tolstoy




               Đây là cuốn sách thuộc hàng kinh điển của thế giới và chắc hẳn rất nhiều người đã từng nghe nói về nó. Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là năm lớp 11 nhưng có lẽ cuốn sách là quá sức với một cô gái 17 tuổi nên tôi đã bỏ ngang giữa chừng. Đầu năm nay, vì nghỉ dịch nhàn rỗi nên tôi đã quyết tâm đọc lại nó, một phần vì tò mò muốn biết tại sao cuốn sách này luôn nằm ở top những cuốn sách hay nhất thời đại. Và có lẽ tôi đã phần nào hiểu. Đọc Anna Karenina, chúng ta thấy hiện lên bức tranh toàn cảnh xã hội nước Nga sau cải cách nông nô, giữa những năm 70 của thế kỷ XIX với tầng lớp thượng lưu mục ruỗng, thối nát đằng sau vẻ hào nhoáng, sang trọng
           Anna Karenina, một quý bà thượng lưu với cuộc sống viên mãn trừ tình yêu với người chồng lớn tuổi đã không thể cưỡng lại được tình cảm nồng cháy của chàng bá tước trẻ tuổi Vronsky. Chuyện sẽ không có gì để nói, nếu không muốn nói là rất hợp với cung cách của giới quý tộc nếu nàng Anna coi cuộc tình của với Vronsky như một món trang sức cho sức cuốn hút của mình. Người ta sẽ hiểu, thậm chí của chồng của nàng cũng từng đề nghị với nàng điều đó - hãy giữ cuộc tình đó trong bóng tối, đừng công khai nó- nàng sẽ vẫn có được cuộc sống sung sướng và vẫn là thành phần tinh túy của giới thượng lưu. Nhưng không, đây không phải là cuốn sách về một cuộc ngoại tình bình thường và nàng Anna cũng không phải là một quý bà thượng lưu tầm thường. Nàng là một người đàn bà luôn khát khao tình yêu thương, sống héo mòn với một người đàn ông khô khan, cứng nhắc và lạnh lùng và rởm đời, yêu danh tiếng của mình hơn bất kỳ điều gì. Khi chưa gặp Vronsky, nàng trút toàn bộ tình yêu thương đó vào đứa con trai. Và khi gặp Vronski, cái khát khao được hạnh phúc, được sống thật với lòng mình đó lại bùng lên dữ dội và nàng đã bất chất tất cả, hy sinh tất cả, kể cả đứa con mà nàng yêu vô cùng để lao vào cuộc tình đó. Anna là hiện thân của người phụ nữ khát khao yêu thương và dám hy sinh để được yêu thương nên dù cuộc tình của nàng trong mắt cả xã hội thượng lưu là bẩn thỉu, tội lỗi nhưng nó trong sạch hơn ngàn lần những cuộc hôn nhân kiểu mẫu của giới thượng lưu lúc bấy giờ. Kết cục của Anna có lẽ là điều có thể dự đoán được và nó là tất yếu trong cái xã hội mà những nhu cầu chân thật nhất của cá nhân bị bóp nghẹt, người ta chỉ được phép trưng ra những điều đẹp đẽ, hào nhoáng nhưng dối trá, bẩn thỉu và người ta coi đó là khuôn phép của xã hội. Một người dám yêu, dám hận như Anna chắc chắn là sẽ không thể nào được chấp nhận và được tha thứ.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Review [Bắt sóng cảm xúc - Bí mật lực hấp dẫn]


         
             Bạn tự hỏi những người có tâm hồn đồng điệu sẽ thế nào nếu họ tình cờ gặp nhau? Tất nhiên là họ sẽ bị cuốn hút bởi nhau và sẽ dễ dàng để hòa hợp và gắn kết cùng nhau. Cuốn sách của hai anh em nhà Brafman - Ori Brafman và Rom Brafman là những câu chuyện nho nhỏ và thú vị về cuộc gặp gỡ của những con người như thế. Cuốn sách cũng lý giải phần nào tại sao chúng ta lại thân thiết với người này hay người khác, tại sao chúng ta lại có thiện cảm với một số người ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, thậm chí là tại sao lại có tình yêu sét đánh, liệu rằng tình yêu sét đánh có phải là một sự vội vã và nhất thời hay nó cũng bền vững như những mối tình trải qua quá trình tiếp xúc lâu dài?... Tôi nghĩ rằng, bí mật lực hấp dẫn mà các tác giả đề cập ở đây chính bởi những người có tâm hồn đồng điệu với nhau, những người có cùng "tần sóng" với nhau thì họ sẽ dễ dàng bắt sóng cảm xúc của nhau. Các nghiên cứu và phân tích trong cuốn sách cũng chỉ ra rằng, những người có sự ăn ý với nhau thì khi làm việc sẽ hiệu quả hơn các nhóm khác. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải xây dựng những tập thể gắn kết với nhau. Một cuốn sách ngắn gọn và dễ đọc nhưng thông điệp mà các tác giả gửi gắm thì vô cùng sâu sắc và đáng để chúng ta học hỏi: "con người hoàn toàn có thể tạo ra mối gắn kết với bạn bè, đồng nghiệp, người bạn đời tiềm năng và cả thế giới quanh mình. Việc kết nối cảm xúc có thể thay đổi bản chất của mối quan hệ, không chỉ trong khoảnh khắc đó mà cả mãi mãi về sau. Và có thể giúp chúng ta phát huy hết tiềm năng cùng những giá trị tốt đẹp nhất trong mỗi người'.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

[Review] Tự truyện Benjamin Franklin



       Là một trong 4 người đã ký vào Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, Benjamin Franklin là một con người lỗi lạc mà cuộc đời của ông đã đi vào huyền thoại. Tôi đã rất tò mò và bị ông hấp dẫn qua những cuốn sách khác, khi các tác giả trích dẫn những mẩu chuyện nho nhỏ về ông. Cuốn sách này được viết từ thời niên thiếu của ông và dừng lại ở những sự kiện diễn ra tới năm 1757. Đọc cuốn sách này chúng ta có thể thấy khá rõ nét chân dung về cuộc đời Benjamin. Là một người con út trong một gia đình đông con, ông đã phải nghỉ học từ sớm và ở tuổi 12, ông đã trở thành thợ học việc trong nhà in của anh trai. Cả cuộc đời của ông tiêu biểu cho hành trình tự học hỏi, trau dồi không chỉ kiến thức mà còn cả về nhân cách để cống hiến cho nước Mỹ và thế giới những đóng góp lớn lao. 
       Có thể điểm qua những thành tựu chính trong cuộc đời ông được ghi lại trong cuốn Tự truyện này: Sáng lập Câu lạc bộ Junto - nơi trao đổi và truyền bá tri thức; Xuất bản cuốn sách Niên lịch của Richard nghèo khó dưới bút danh Richard Saunders, góp phần rất lớn trong việc định hình tính cách Mỹ; Tự học tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Latin; thành lập Đại đội liên minh chữa cháy của Philadelphia; lên kế hoạch thành lập cảnh sát thành phố; Phát minh ra lò sưởi mở; góp phần xây dựng Đại học Pennsylvania; thành lập Hiệp hội Khoa học Mỹ; xuất bản cuốn chuyên đề Sự thật giản dị xuất phát từ nhu cầu quốc phòng, tập hợp một đại đội lính; tiến hành những thí nghiệm nghiên cứu về sấm sét với một con diều và phát hiện ra bản chất của hiện tượng này là sự phóng điện; trở thành đại sứ hòa bình; trở thành nhà ngoại giao, đến Anh để đại diện cho Quốc hội đấu tranh cho đạo luật với giới địa chủ tư sản...
        Ấn tượng nhất với tôi khi đọc cuốn sách này là việc ông rèn luyện để loại bỏ những thói quen mà ông gọi ngang ngược và luyện tập những thói quen tốt. Ông đã đưa ra 13 đức tính mà bản thân ông thấy cần thiết và mong muốn có được. Ông đã kỳ công làm một cuốn sổ nhỏ, trong đó mỗi đức tính được dành riêng một trang, kẻ bằng mực đỏ một bảng có bảy cột ở mỗi trang, tượng trưng cho mỗi ngày trong tuần. Mỗi năm, ông đã dành 13 tuần để rèn luyện những đức tính này. 
         Tôi tin rằng đọc Tự truyện của Benjamin Franklin, mỗi chúng ta không chỉ thấy thú vị với những cuộc phiêu lưu của ông mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ con người vĩ đại đó.

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Review "Năm ngôn ngữ tình yêu" - Gary Chapman




Mối quan hệ giữa người với người chưa bao giờ là đơn giản và dễ dàng, càng phức tạp hơn là mối quan hệ giữa những người đang yêu hay giữa những cặp vợ chồng. Vì mỗi chúng ta là một cá thể hoàn toàn độc lập với những tính cách nhiều khi quá khác biệt. Không ai là không muốn được người khác thấu hiếu và hành xử đúng cái cách mà ta muốn. Một thực tế rất dễ nhận thấy là, có những người dù ta mới gặp lần đầu nhưng lại cảm thấy vô cùng thân thiết trong khi đó có những người dù đã ở bên ta cả đời nhưng đôi khi ta thấy họ nhưng cách xa ta cả vạn dặm. Đó là bởi vì, mỗi chúng ta có một (hoặc hai) ngôn ngữ tình yêu chủ đạo. Và thật dễ dàng yêu mến những ai cũng có cùng ngôn ngữ tình yêu với ta hay cách hành xử của họ cùng tần số với ta, khiến cho ta có thể cảm nhận được tình cảm họ dành cho mình.
Chính vì thế, nếu không học cách để hiểu nhau thì giữa chúng ta sẽ rất dễ xảy ra xung đột. Và một điều đáng mừng là nếu muốn thì chúng ta hoàn toàn có thể học để biết cách thấu hiếu và có những cách hành xử để khiến cho những mối quan hệ của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo tác giả Gary Chapman, có năm ngôn ngữ tình yêu cơ bản là: lời khen ngợi, quà tặng, thời gian chia sẻ, sự tận tụy và cử chỉ yêu mến.
Lời khen ngợi: bày tỏ yêu thương qua sự trìu mến, ngợi ca hoặc niềm trân trọng được thể hiện ra thành lời.
Sự tận tụy: dùng những hành động, hơn là lời nói, để biểu lộ và tiếp nhận tình yêu.
Quà tặng: quà tặng là biểu tượng của tình yêu và sự mến mộ.
Thời Gian Chia Sẻ: thể hiện tình yêu với sự toàn tâm toàn ý, trọn ven và không sao lãng.
Cử chỉ âu yếm: có thể là sex, cũng có thể chỉ là cầm tay. Người nói thứ ngôn ngữ tình yêu này cảm nhận sự âu yếm thông qua những tiếp xúc cơ thể.
Ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì? Hãy đọc “Năm ngôn ngữ tình yêu” của Gary Chapman để khám phá ngôn ngữ tình yêu của mình cũng như của những người xung quanh để biết cách làm cho những mối quan hệ của chúng ta tốt đẹp lên. Tôi tin rằng bạn sẽ muốn đọc đi đọc lại cuốn sách này nhiều lần bởi những lợi ích của nó trong việc vun trồng những mối quan hệ của chúng ta. 

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Review sách [Tôi mốn cuộc đời như tôi muốn] - Varun Agarwal



          Một cuốn sách tuyệt vời cho những bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sẽ và đang khởi nghiệp. Cuốn sách kể về hành trình khởi nghiệp của một bạn trẻ người Ấn với một ngôn ngữ trẻ trung và hài hước thực sự đã gây ngạc nhiên đáng kể đối với tôi. Chưa bàn đến quá trình khởi nghiệp đầy "đau tim" như bất kỳ một start up nào khác của tác giả, chỉ qua những trang viết về cuộc sống của một chàng trai người Ấn cũng khiến cho người đọc thấy vô cùng cuốn hút và có thể ta sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó. Tác giả - chàng trai Varun, trước hết là một chàng trai vô cùng bình thường mà ta có thể gặp đâu đó xung quanh mình. Anh theo học một ngành học mình không mong muốn (nhưng là mong muốn của các bậc phụ huynh), tốt nghiệp kỹ sư với kết quả hoàn toàn bình thường và không hề có ý định làm công việc mà mình đã được học. Anh cũng từ chối con đường quen thuộc như những người bạn của mình đó là du học để kiếm một tấm bằng MBA hay đầu quân cho một công ty nước ngoài để ấm thân. Thất nghiệp một năm ở nhà và nằm dài lướt Facebook qua ngày. Nhưng Varun có một điều đặc biệt, đó là anh biết mình muốn gì và cuối cùng, anh đã quyết liệt theo đuổi điều mình muốn dù gặp rất nhiều sự phản đối, nghi ngờ của mọi người xung quanh. Anh đã cùng người bạn thân của mình lập nên công ty Alma Mater. Ta có thể cảm nhận rất rõ những căng thẳng, hồi hộp, vất vả của Varun trong quá trình "thai nghén" và "nuôi dưỡng" đứa con của mình. Câu chuyện của Varun và quá trình xây dựng thành công Alma Mater có lẽ sẽ truyền cảm hứng rất nhiều cho những người trẻ đang bắt đầu hành trình theo đuổi ước mơ của mình. Điều quan trọng là ta biết mình muốn gì và nhất là phải vững tin, kiên định, thành công rồi sẽ đến.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Điều kỳ diệu của thái độ sống - Mac Anderson



Có lẽ cái tên của cuốn sách đã nói lên tất cả và có thể tóm gọn tinh thần của cuốn sách với câu trích dẫn của Charles Swindoll: "Tôi tin rằng chỉ có 10% những gì trong cuộc sống của chúng ta là không thể thay đổi được. 90% còn lại phụ thuộc vào thái độ của chúng ta trước hoàn cảnh. Chúng ta là người duy nhất chịu trách nhiệm cho thái độ và cuộc đời mình".
"Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, không thể thay đổi người khác, cũng không thể thay đổi những gì sẽ diễn ra. Điều duy nhất chúng ta có thể thay đổi chính là thái độ của mình". Thật thấm thía nhưng cũng vô cùng khó khăn. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ khơi nguồn cảm hứng để chúng ta học cách điều chỉnh thái độ của mình trong cuộc sống và sống một cuộc đời trọn vẹn như ta mong muốn.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

[Review] Phương pháp giáo dục con của người Do Thái



Có lẽ Do Thái là một trong những dân tộc có sức sống bền bỉ và là những người thông thái nhất trên thế giới này. Sẽ rất nhiều người tò mò tại sao một dân tộc phải lang thang trên thế giới hàng ngàn năm, trải qua quá nhiều chông gai, thử thách, nhưng những di sản của họ lại không bị mất đi theo thời gian và theo những chuyến di cư. Đó là dân tộc có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel nhất, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến. Điều đó phần nào sẽ được lý giải trong cuốn sách này.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, làm cha mẹ là một trong những công việc cần phải học hỏi nhiều nhất, vì nếu không có kiến thức, không có kỹ năng thì chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vàng để giúp con mình phát triển, nhất là trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời.

Và cuốn sách Phương pháp giáo dục con của người Do Thái đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức bổ ích để chúng ta có thể dạy dỗ con cái của mình một cách khoa học và hiệu quả nhất. Càng đọc tôi càng ngưỡng mộ các bậc cha mẹ Do Thái, những người đã luôn đồng hành và cùng con học hỏi, phát triển với những bài học vô cùng giản dị nhưng sâu sắc.

Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho các bậc phụ huynh đang còn băn khoăn thậm chí là bất lực trong quá trình dạy dỗ con cái của mình.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Bí mật của may mắn - Alex Rovira & Femando Trias de Bes



         Cuộc hội ngộ của hai người bạn già sau nửa cuộc đời xa cách đã hé mở cho chúng ta một chân lý về ý nghĩa của may mắn. Ta vẫn thường nghĩ rằng, những người may mắn là những người có được cơ hội từ trên trời rơi xuống và họ chẳng phải đổ một chút sức lực nào mà vẫn có một cuộc sống viên mãn bao người mơ ước. Điều đó liệu có đúng?
         Câu chuyện cổ về cuộc phiêu lưu đi tìm cây bốn lá thần kỳ của hai chàng hiệp sĩ đã cho chúng ta câu trả lời về bí mật của may mắn. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra may mắn cho chính mình. Giống như chàng hiệp sĩ Sid, mặc dù tất cả các sinh vật trong rừng già đều nói với chàng rằng, chưa từng có cây bốn lá nào mọc lên trong khu rừng này. Nhưng bằng ý chí của chính mình, Sid đã tạo ra những điều kiện tốt nhất để khi thần gió đưa những hạt giống của cây bốn lá thần kỳ phân phát cho cả vương quốc chàng đã có một mảnh đất tốt nhất cho chúng mọc lên. Cơ hội luôn công bằng với tất cả, nhưng chỉ những người chăm chỉ và nỗ lực hết sức để tạo ra "một mảnh đất màu mỡ của riêng mình để ươm trồng cơ hội" như chàng Hiệp sĩ Sid mới có được may mắn.
          "Vì ta chỉ có thể tạo ra may mắn bằng cách tạo ra các điều kiện nên may mắn tùy thuộc vào chính bạn. Hãy bắt đầu ngay, bạn cũng có thể tạo ra may mắn cho chính mình".

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

[Review] 1Q84 - Haruki Murakami





Phải rất lâu rồi tôi mới "dám" đọc lại truyện của Haruki Murakami, từ cái thời "Rừng Nauy", "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời"..., có lẽ phải hơn mười năm rồi. Ấn tượng chung của tôi về sách của Murakami là nó quá tối tăm, thế giới nội tâm của con người được phác họa trong đó có cái gì đó nó hơi mục ruỗng, dị dạng. Mỗi lần đọc truyện ông tôi lại thấy tâm trạng mình trĩu nặng và khó thở. Chính vì thế, tôi đã lấy hết dũng cảm để bắt đầu đọc 1Q84, sau rất nhiều năm nó được xuất bản. Và tôi đã rất bất ngờ. Tất nhiên là vẫn còn đó những yếu tố huyền hoặc, kiểu như thế giới có hai mặt trăng tồn tại, vẫn là hiện thực đó nhưng lại không phải là hiện thực mà ta đã sống ngày hôm qua, như nhộng không khí; những hình ảnh giàu tính biểu tượng như thành phố mèo; vẫn còn những con người kỳ lạ như Người tí hon, mang hơi hướng hơi kỳ dị như nhân vật Fukaeri... Nhưng cảm giác hoàn toàn khác. Tôi đã bị cuốn hút vào 3 tập truyện và đọc một cách nhẹ nhàng, thoải mái, không còn giảm giác nặng nề, bí bách nữa. Tôi nghĩ rằng, vượt lên trên những yếu tố đó là tình yêu giữa Aomame và Tengo, chính tình yêu đã xóa nhòa khoảng cách hai mươi năm đằng đẵng và đã kéo hai con người tưởng chừng như thuộc về hai thế giới xa lạ đó bước vào một thế giới mới nơi tồn tại hai mặt trăng. Tôi vẫn cho rằng, tất cả những rắc rối mà các nhân vật đã trải qua trong cuốn sách này chỉ là để hai người đó tiến lại gần nhau hơn. Tôi cũng thích cái cách tác giả luân phiên viết về Aomame và Tengo, điều đó tạo nên cái cảm giác dù chưa gặp được nhau nhưng cuộc đời họ đã được đan cài vấn vít như những sợi tơ nhện. Sau tất cả, những người yêu nhau sẽ về bên nhau. Một cuốn sách hấp dẫn của Murakami

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

[Review] Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách



Tôi biết đến cuốn sách này qua chương trình tặng sách của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Và qua một số đoạn trích của cuốn sách trên một tờ báo mạng tôi đã rất tò mò về cuộc đời của người đàn ông đã gây dựng nên đế chế Huyndai hùng mạnh để rồi cuối cùng tôi đã tìm đọc cuốn tự truyện này. Một cuộc đời quá ấn tượng, một con người quá vĩ đại - Chung Ju Yung. Có lẽ không cần phải điểm lại những thành công mà ông đã đạt được trong cuộc đời, nó sẽ mãi mãi được người dân Hàn Quốc ghi nhớ và tự hào. Riêng tôi, tôi ấn tượng bởi ý chí vượt lên nghịch cảnh của ông. Nhờ có ý chí đó mà một người thanh niên nghèo với một cuộc đời được định trước là trở thành một người nông dân trụ cột trong gia đình, đã không chấp nhận điều đó, bốn lần bỏ trốn khỏi nhà để tự tay viết lại tương lai cho mình. Nhờ có ý chí đó mà ông đã từ một ông chủ tiệm gạo nhỏ bé dám bước chân vào lĩnh vực xây dựng và xây nên những kỳ tích cùng đất nước Hàn Quốc. Cũng nhờ có ý chí đó mà ông đã dám vươn ra biển lớn, bán được cả những con tàu ngay cả khi còn chưa biết làm thế nào để chế tạo ra chúng. Nhưng ông không liều lĩnh. Đó là ý chí của con người dám đối mặt với nghịch cảnh, biết mình muốn gì, mình có khả năng gì và luôn khát khao học hỏi, khát khao cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho đất nước mình. Con người yêu lao động và yêu đất nước thiết tha. Bí quyết của ông có lẽ là ở phương châm này, "mỗi khi bắt đầu làm việc gì cũng vậy, tôi vẫn tuân theo nguyên tắc của mình là tin tưởng 90 phần trăm vệc sẽ thành và 10 phần trăm tự tin mình nhất định làm được, ngoài ra chẳng có một phần trăm lo lắng là công việc sẽ không thành".

Đọc cuốn tự truyện này, tôi rút ra cho mình hai bài học sâu sắc, đó là, không có gì là chúng ta không làm được, tất cả chỉ là thử thách mà thôi, tất nhiên là phải nỗ lực. Và, nếu có suy nghĩ tích cực thì cho dù trời có sập cũng có lỗ chui ra và vệc gì cũng có thể làm được. Như ông đã nói: không có đường thì tìm đường, tìm không thấy thì làm đường mà đi.
Một cuốn sách cần thiết cho những ai còn đang có ít niềm tin ở bản thân mình. Mà phần lớn trong chúng ta ít nhiều còn đang thiếu điều đó.

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...