Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

[Review sách] Quiet - Sức mạnh của người hướng nội




Tôi được người bạn giới thiệu cuốn Im lặng – một cuốn sách viết về người hướng nội của Susan Cain. Thực ra, lúc đầu tôi cũng không hứng thú lắm vì tôi sinh ra và lớn lên ở một xã hội phương Đông truyền thống nên ít bị áp lực về việc phải là một người hướng ngoại thì mới thành công như ở những nước phương Tây (nơi điều đó đã trở thành ám ảnh, thậm chí là bắt buộc – như tác giả viết). Nhưng càng đọc tôi càng bị hút vào cuốn sách. Lần đầu tiên tôi được soi rọi bản thân mình dưới một góc nhìn khoa học và hoàn toàn bị thu hút với những gì tôi khám phá được trong cuốn sách này. Trong xã hội chúng tôi, người ta cũng không quá chú tâm lắm về tính hướng nội hay hướng ngoại (thậm chí lâu nay tôi cũng không thích cả cách phân biệt người hướng nội và người hướng ngoại nữa, tôi thấy cách phân chia này mang tính áp đặt). Nhưng kể cả như thế, thì tôi nhận thấy rằng, những người hoạt ngôn, vui vẻ, có tính quảng giao vẫn luôn nổi bật trong đám đông. Và không ít lần, tôi đã phải tự vấn bản thân về việc ít giao du của mình. Thậm chí là cảm thấy tội lỗi khi từ chối lời mời tham gia những cuộc vui để lui về thế giới của mình với những cuốn sách. Đôi khi, tôi thấy mình sống hơi tách biệt, dù rằng tôi hoàn toàn thoải mái với điều đó. Nhưng cái cảm giác khác người, lập dị vẫn phảng phất đâu đó, trong suy nghĩ của tôi, và của những người xung quanh tôi. Thậm chí, tôi đã cố gắng thay đổi bản thân vì tôi luôn tin rằng “tính cách làm nên số phận”. Nhưng, tôi đã hoàn toàn nhẹ nhõm khi đọc được trong cuốn Im lặng điều này “chúng ta được sinh ra với một hệ tính khí đã được đóng gói sẵn, và nó có thể định hình tính cách khi đã là người lớn của chúng ta một cách vô cùng mạnh mẽ”  “rằng chúng ta có thể tác động làm thay đổi tính cách của mình, nhưng chỉ đến được một mức độ nhất định mà thôi. Bản tính bẩm sinh của chúng ta có tác động tới chúng ta, bất kể chúng ta có sống cuộc sống của mình như thế nào. Một phần đáng kể trong việc chúng ta là ai được định đoạt bởi các gen của chúng ta, bởi bộ não của chúng ta, bởi hệ thần kinh của chúng ta”. Giờ thì tôi thấy nhẹ nhõm vì đã thông hiểu, tôi biết rằng, tôi hành động như thế vì đó là bản tính tự nhiên của tôi. Và không việc gì phải gồng mình lên để trở thành một ai khác.
Tôi cũng học được từ cuốn sách rằng, người hướng nội và người hướng ngoại thực ra chỉ khác nhau ở việc ưa chuộng các mức độ kích thích khác nhau mà thôi. “Người hướng nội ưa thích đóng chặt cửa văn phòng lại và cắm đầu vào công việc, bởi với họ kiểu hoạt động trí não trong tĩnh lặng này là mức độ kích thích lý tưởng; trong khi người hướng ngoại hoạt động hiệu quả nhất khi được tham gia vào những sự kiện náo nhiệt như tổ chức những buổi học kỹ năng đồng đội (team-building), hay điều hành những buổi họp”. Eysenck cho rằng “người hướng nội có những kênh tiếp nhận mở rộng, khiến họ luôn bị quá tải với các kích thích và trở nên quá-phấn-khích (over-aroused); trong khi những người hướng ngoại có các kênh hẹp hơn, khiến họ thường bị kém-phấn-khích (under-aroused). Quá-phấn- khích khiến bạn cảm thấy mình đã chịu quá đủ rồi, và muốn về nhà ngay lập tức”. Tôi hiểu rằng, người hướng nội cũng có những sức mạnh vô cùng lớn lao, đó là khả năng tập trung, sự kiên trì, tính nhẫn nại và khả năng sống một cuộc đời dẫu không sôi nổi nhưng sẽ rất sâu sắc. Tôi thích những lời khuyên sáng suốt này: “Nếu bạn là một người hướng nội, hãy tìm lấy sự phiêu bằng cách dùng những tài năng thiên phú của chính bạn. Bạn có sức mạnh của sự kiên trì, của quyết tâm để giải quyết những vấn đề phức tạp, và sự sáng suốt để tránh những hố bẫy có thể dễ dàng làm người khác vấp ngã. Bạn tận hưởng cảm giác tự do khỏi sức cám dỗ của những phần thưởng phù phiếm như tiền bạc hay địa vị. Thực sự, thử thách lớn nhất cả bạn có lại là ở việc khai thác được toàn bộ sức mạnh của chính bạn”. “Vậy nên hãy trung thành với con người thật của bạn. Nếu bạn thích làm mọi việc một cách chậm mà chắc, đừng để những người khác khiến bạn cảm thấy mình phải chạy đua với họ. Nếu bạn yêu thích bề sâu, đừng cố ép bản thân đi tìm bề rộng. Nếu bạn ưa giải quyết từng việc một hơn là làm nhiều việc cùng lúc (multitasking), hãy cứ làm mọi thứ theo cách của bạn. Việc gần như là miễn dịch với cám dỗ từ phần thưởng cho bạn một sức mạnh không thể đong đếm được để làm chính bạn. Việc sử dụng sự tự do đó để đạt được hiệu quả cao nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn”. Và tôi cũng sẽ hoàn toàn thoải mái và tự tin để sắp xếp cuộc sống của mình sao cho thoả mãn nhất bằng cách đặt mình vào trong những môi trường có lợi hơn cho tính cách của mình mà không còn cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi nữa.
Cuốn sách cũng đề cập đến một vấn đề rất hay nữa, đó là “người hướng nội hoàn toàn có khả năng hành động được như người hướng ngoại, nếu đó là vì những công việc mà họ cho là quan trọng, những người mà họ yêu quý, hay bất cứ điều gì mà họ đề cao”. Và “cách tốt nhất để hành động vượt ra ngoài tính cách là trung thành với con người thật của bạn đến hết mức có thể—bắt đầu bằng việc tạo ra càng nhiều “điểm hồi phục”(“restorative niche”) càng tốt trong cuộc sống hàng ngày của bạn”. Điều đó giải thích cho việc khi được làm những công việc yêu thích hoặc khi tham gia những sự kiện thú vị, tôi hoàn toàn có thể cởi mở và trò chuyện như một người quảng giao.
Cuốn sách của Susan Cain đã khai mở cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Càng hiểu về người hướng nội tôi lại càng trân trọng những nét tính cách đó của mình. Một điều nữa làm tôi hết sức cảm động trong cuốn sách này đó là phần tác giả viết về việc nuôi dạy những đứa trẻ hướng nội. Tôi hy vọng những ông bố bà mẹ đọc cuốn sách này, đặc biệt là phần này để có những gợi ý sáng suốt nhất để biết “Làm thế nào Để Nuôi Dạy Những Đứa Con Trầm Tính Của Bạn, trong một Thế Giới Không Thể Nghe Thấy Chúng”. Lời khuyên khôn ngoan nhất có lẽ là “đừng nghĩ về sự hướng nội như thứ gì đó cần được chữa trị. Nếu một đứa trẻ hướng nội cần sự giúp đỡ ở các kỹ năng giao tiếp, hãy dạy nó hoặc gợi ý một nơi đào tạo nào đó bên ngoài lớp học, cũng hệt như cách bạn sẽ làm khi một em học sinh cần được phụ đạo thêm về toán hay ngoại ngữ vậy. Nhưng hãy mừng cho các em vì việc là chính bản thân các em”. Và “nếu con bạn là một đứa trẻ trầm tính, hãy giúp đỡ để chúng có thể ứng phó tốt với những tình huống bất ngờ hay những người chúng mới gặp lần đầu; nhưng ngoài những việc đó ra, xin hãy cứ để cho chúng là chính mình. Hãy vui mừng khi con mình có một tư duy độc đáo. Hãy tự hào bởi chúng sẽ có một lương tâm lành vững và những tình bạn trung thành. Đừng mong cho chúng biết chạy theo số đông; thay vào đó, xin hãy tạo điều kiện để chúng có thể theo đuổi đam mê của chính mình. Và hãy mừng cho con khi chúng gặt hái được thành quả từ những đam mê đó, dẫu cho chúng có là thành quả trên dàn trống của một ban nhạc, thành quả ở môn bóng mềm, hay thành quả trên những trang sách”.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Review sách Đời ngắn đừng ngủ dài




Tôi vừa đọc xong cuốn Đời ngắn đừng ngủ dài của Robin Sharma. Một cuốn sách tuyệt vời. Đây là lần thứ hai tôi đọc cuốn sách này, càng đọc tôi càng chiêm nghiệm ra nhiều điều. Nhưng có lẽ điều cốt lõi nhất mà cuốn sách đề cập đến đã khiến cho tôi bị chấn động mạnh, đó chính là tư tưởng đừng lựa chọn những điều dễ dàng trong cuộc sống để rồi sống một cuộc đời tầm thường, đừng lãng phí những điều tốt đẹp của chính bản thân mình. Càng đọc tôi càng thấm thía điều này, bởi lẽ, trong những năm qua, tôi đã làm chính xác những điều tác giả khuyên chúng ta không nên làm, đó là, lãng phí bản thân, lãng phí cuộc đời. Cuốn sách khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã đọc đi đọc lại những câu như thế này:
“Những lựa chọn hàng ngày sẽ khắc họa định mệnh mỗi người. Từng ngày. Từng tuần. Từng tháng. Từng năm”.
“Cuộc sống ưu đãi những ai tận lực”.
“Sự thèm muốn được an nhàn sẽ giết chết niềm đam mê của con người.”
“Có những cơ hội không bao giờ trở lại. Đừng lựa chọn sự hối tiếc”.
“Hãy làm hết sức – rồi để cuộc đời làm phần còn lại”.
“Đừng chịu an phận. Học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Phải khỏe mạnh –không, phải cực kỳ khỏe mạnh (buồn thay người ta chỉ quan tâm đến sức khỏe một khi đã đánh mất nó). Hãy nổi bật với công việc mình làm. Hãy giỏi tay nghề đến nỗi công ty sẽ đình trệ nếu không có bạn. Hãy thân thiện hết mức. Hãy biết thông cảm và đầy lòng trắc ẩn. Hãy tài giỏi và dễ mến”.
“Sự tự do tuyệt đối của con người: khả năng lựa chọn cách đáp trả và giải quyết bất cứ sự việc nào xảy đến với ta. Chúng ta có thể tìm kiếm điều tốt đẹp hoặc để bị ám ảnh bởi những điều tồi tệ. Frankl đã viết: “Người ta có thể lấy đi tất cả trừ một thứ, một quyền tự do cuối cùng của con người: lựa chọn thái độ trước những hoàn cảnh ập đến, lựa chọn một lối đi.”
“Những người trên 65 tuổi khi được hỏi ‘nếu sống lại cuộc đời, bạn sẽ sống khác ra sao?’ và họ nói ba điều: Tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và hỏi những câu hỏi quan trọng. Tôi sẽ can đảm hơn và chấp nhận nhiều rủi ro hơn trong công việc và tình yêu. Tôi sẽ sống có mục đích – để tạo nên sự khác biệt.” Đó là tất cả ý nghĩa.
Có những câu hỏi khiến tôi giật mình và thức tỉnh:
“Tại sao nhiều người cố tình không muốn nổi bật?”
“Có một điều gì tôi sẽ làm hôm nay để sau khi thực hiện, cuộc sống, sự nghiệp cũng như bản thân tôi sẽ tiến lên cấp độ mới?”.
“Di sản nào bạn tạo nên trong đời để thế hệ mai sau sẽ biết bạn từng tồn tại? Bạn sẽ thực hiện hành động cao quý nào, thái độ can trường nào ngay tại Giây Phút Này để giải phóng cho sự vĩ đại đang ngủ say trong bạn, giúp nó ra trước ánh sáng của Ngày Hôm Nay? Tài sản quí giá nhất của bạn sẽ trông như thế nào? Và cuối cùng, bạn đã làm gì với những tài năng mình được ban tặng? Hãy tự vấn lương tâm”.
Những lời khuyên thông thái và những câu hỏi khiến tôi không thể chỉ đọc và hờ hững lướt qua được. Tôi đã lập danh sách những rào cản vô hình của tôi, để như tác giả nói “Ý thức về chúng. Quan sát chúng. Thách thức chúng”. Quan trọng hơn, tôi đã dành thời gian để nhìn nhận những điều tôi thực sự MUỐN có trong cuộc đời này.
Người ta vẫn hay nói rằng, có những cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời của một người. Tôi tin Đời ngắn đừng ngủ dài là một cuốn sách như thế. 101 phần là 101 lời khuyên khôn ngoan và chân thành của tác giả để chúng ta có thể hoàn thiện bản thân, xây dựng một cuộc đời như ta hằng mong muốn. Tôi tin, nếu mỗi chúng ta suy ngẫm về những điều đó và từng ngày thực hành chúng thì ta sẽ có một cuộc đời tốt đẹp và phong phú. Tôi thích tinh thần mà cuốn sách này mang lại – tinh thần vượt lên những rào cản vô hình mà chúng ta đang tự mình dựng lên để ngăn cách mình với một cuộc sống tốt đẹp hơn mà ta đáng được hưởng. Và không có điều gì là miễn phí, nếu ta muốn một cuộc đời tốt đẹp thì ta phải chiến đấu để giành được nó, trong đó, chiến đấu với chính bản thân mình là điều quan trọng nhất, bởi vì “những điều tốt nhất trong đời đều đòi hỏi nỗ lực, cam kết và kỷ luật”. Nhưng, đừng sợ, đừng nản chí bởi vì “cái giá của kỷ luật bao giờ cũng rẻ hơn cái giá của nỗi đau hối tiếc” và “hai mươi năm sau, bạn sẽ hối tiếc về những gì đã không làm hơn là những gì đã làm. Vậy, hãy quẳng dây neo đi. Dong buồm xa khỏi bến đỗ an lành. Xuôi theo chiều gió. Thám hiểm, ước mơ. Khám phá".
Và cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng: “Cuộc đời là để sống”. Vì thế, “Hãy quên đi những gì người ta từng nói. Đừng nghe những tư tưởng nhỏ mọn. Hãy bịt tai trước những lời chỉ trích. Hãy tin vào sự thật: Bạn sinh ra để làm những điều lớn lao trong đời mình. Để ra ngoài thế giới và nổi bật lên. Mỗi lần bạn từ chối lời mời gọi ấy, bạn đã phản bội chính bản thân. Hãy tôn vinh mình. Hãy khiến hôm nay –và cuộc đời –trở nên đặc biệt không thể nào quên. Một bước nhỏ bé chắc chắn sẽ tạo nên kết quả khổng lồ theo thời gian. Hãy nhớ con người thật của mình mà bạn được tạo nên để trở thành: một lãnh đạo không cần danh phận, một con người duy nhất, một người khiến cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn”.



Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

[Thơ Lưu Quang Vũ] Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xoá nhoà hết những điều em hứa
Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa
Nắng không trong như nắng buổi ban đầu.

Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu
Xoá cả dấu chân em về buổi ấy
Gối phai nhạt mùi hương bối rối
Lá trên cành khô tan tác bay.

Mưa cướp đi ánh sáng của ngày
Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ
Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ
Hạnh phúc con người mong manh mưa sa.

Bản nhạc ngày xưa khúc hát ngày xưa
Tuổi thơ ta là nơi hiền hậu nhất
Dẫu đường đời lắm đổi thay mệt nhọc
Tựa đầu ta nghe tiếng hát ru nhau.

Riêng lòng anh anh không quên đâu
Chỉ sợ trời mưa đổi mùa theo gió
Cây lá với người kia thay đổi cả
Em không còn màu mắt xưa.

Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái
Áo em ướt để anh buồn khóc mãi
Ngày mai chúng mình ra sao em ơi.

Nguồn: Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002


[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...