Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Xứ Tuyết



Một cuốn sách kinh điển của văn học Nhật Bản, cuốn sách đã góp phần đưa tác giả của nó đến với giải thưởng Nobel Văn học danh giá. Được đánh giá là mang một vẻ đẹp u buồn, lãng mạn. Nhưng thú thực đọc Xứ Tuyết tôi không cảm nhận được những nét đẹp tinh tế đó. Tôi chỉ thấy mệt mỏi với những mối quan hệ tù túng, ngột ngạt của các nhân vật trong đó. Tôi cũng không thấy được sức sống dữ dội của nữ nhân vật chính, tôi chỉ thấy một người phụ nữ bị mắc kẹt trong một mối quan hệ không rõ ràng. Và tôi hoàn toàn không hiểu được cái chết được mô tả ở cuối truyện. Có lẽ nào tôi đã đánh mất năng lực thụ cảm cái đẹp trong văn chương? Có thể một ngày nào đó tôi sẽ đọc lại Xứ Tuyết để có cái nhìn khác về tác phẩm này. Chắc chắn là như thế!

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Review cuốn Bài giảng cuối cùng của GS Randy Pausch






Một cuốn sách tuyệt vời của một con người tuyệt vời. Tôi ngưỡng mộ cuộc đời của GS Randy Pausch, càng ngưỡng mộ cái cách mà ông và gia đình đã chọn để đối mặt với thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Và tôi đặc biệt thích cái giả đầu trong bài giảng cuối cùng của ông: bài giảng đó không hướng đến việc làm thế nào để đạt được những ước mơ thời thơ ấu. Nó là việc làm thế nào để dẫn dắt cuộc đời của bạn. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời của bạn một cách đúng đắn, cái nghiệp sẽ tự thành. Các ước mơ sẽ đến với bạn.
Lần đầu tiên khi nghe nói đến cuốn sách bài giảng cuối cùng, tôi đã hình dung ra hình ảnh một giáo sư già, ốm yếu đứng trước bục giảng và đang cố gắng truyền đạt lại những điều bổ ích lần cuối cùng cho các sinh viên của ông. Tôi đã không chờ đợi hình ảnh một vị giáo sư trẻ trung, trông vẫn còn hết sức khoẻ mạnh và linh hoạt, hài hước như GS Randy Pausch trong bài giảng cuối cùng của ông. Càng không có những bài học kinh nghiệm giáo điều. Ông chỉ đơn giản nói về những ước mơ thời thơ bé của mình, những điều mà may mắn thay, đã trở thành hiện thực trên bước đường trưởng thành của ông (tất nhiên là cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí kiên trì, nhẫn nại của ông). Ông cũng nói về việc làm thế nào để giúp đỡ những người khác đạt được ước mơ thời thơ bé của mình, điều này thậm chí còn thú vị hơn nữa. Và ông nói về những niềm vui của cuộc sống với một lối nói chuyện giản dị, hài hước, dí dỏm. Di sản mà cuộc đời GS Randy Pausch để lại là ông đã thực sự vui sống mỗi ngày, bài giảng cuối cùng là dấu chấm trọn vẹn cho cuộc đời sôi nổi, nhiều ước mơ và tràn trề nhựa sống của ông. Tôi xem video bài giảng cuối cùng của ông hơn 11 năm sau khi ông qua đời và vẫn cảm nhận trọn vẹn sự sôi nổi, lòng nhiệt thành với cuộc sống từ người đàn ông đó. Như ông nói, ông may mắn vì có một tuổi thơ hạnh phúc, có những người thầy tốt và có những sinh viên giỏi. Tôi cũng cảm thấy may mắn vì đã đọc được cuốn sách của ông và đã được xem bài giảng cuối cùng ông để lại. Tôi học được ở ông tinh thần lạc quan, cái cách ông đã vui với cuộc sống và cách ông đã đặt ra những chuẩn mực cao cho cuộc đời của mình. Cảm ơn ông, GS Randy Pausch!
 Và đây là những điều mà ông đã đúc rút ra từ chính cuộc đời của mình:
Những bức tường gạch ở đó với một lý do: chúng cho ta một cơ hội để chứng tỏ ta mong muốn một điều gì đó ghê gớm tới mức nào.
Thời gian là tất cả những gì bạn có. Và một ngày nào đó, bạn sẽ thấy, bạn có ít hơn là bạn nghĩ.
Than vãn chẳng làm được gì với tư cách một chiến lược. Tất cả chúng ta đều chỉ có hữu hạn thời gian và năng lượng. Thời gian chúng ta dành để than vãn chẳng hề giúp đạt được các mục đích của chúng ta. Và nó không làm chúng ta hạnh phúc hơn lên.
Nếu bạn thất vọng với mọi người, nếu họ làm bạn tức giận, đó có thể chỉ bởi vì bạn chưa cho họ đủ thời gian. Jon cảnh báo với tôi rằng đôi khi cần phải rất kiên nhẫn - kể cả hàng năm. "Nhưng cuối cùng, mọi người sẽ cho bạn thấy mặt tốt của họ. Hầu như mỗi người đều có một mặt tốt. Chỉ cần chờ đợi. Cái tốt sẽ bộc lộ.”- ông nói.
Với những người đàn ông quan tâm tới bạn một cách lãng mạn, thì thật giản đơn. Hãy bỏ qua mọi thứ họ nói và chỉ chú ý tới những gì họ làm
Hãy khiêu vũ với người đi cùng. Là một lời nhắc nhở về sự trung thành và sự biết ơn.
May mắn là thứ nảy sinh khi sự chuẩn bị gặp gỡ với cơ hội. Ðây là câu nói của Seneca, triết gia La Mã sinh năm thứ 5 truớc công nguyên. Câu nói vẫn còn đáng giá để được nhắc lại thêm ít nhất là hai ngàn năm nữa.
Quan trọng không phải là việc bạn thắng hay thua, mà là việc bạn chơi như thế nào.
Kinh nghiệm là thứ bạn thu được khi bạn không đạt được điều mà bạn hằng mong muốn.
Rất nhiều người muốn đi trên con đường tắt. Tôi thấy con đường tắt tốt nhất là con đường dài, cơ bản nó là mấy chữ: làm việc tích cực. Theo cách tôi nhìn, nếu bạn làm việc nhiều giờ hơn những người khác, trong những giờ đó, bạn sẽ học được nhiều hơn về nghề nghiệp của bạn. Ðiều đó làm bạn hiệu quả hơn, có khả năng hơn, thậm chí sung sướng hơn. Làm việc tích cực cũng giống như lãi suất tích lũy ở ngân hàng. Phần thưởng được tăng nhanh hơn.
Như tôi nhìn nhận, công việc của cha mẹ là động viên con cái phát triển một niềm vui cho cuộc sống và một sự thôi thúc theo đuổi những ước mơ riêng.
Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là giúp con cái xây dựng một tập hợp những công cụ cần thiết cho chúng.
Thật quan trọng khi ta quan tâm tới người khác, chứ không chỉ tới chính mình.

Review Hành trình về Phương Đông




Phương Đông – đối với hầu hết những người Phương Tây, đấy là nơi chứa đầy sự huyền bí, nhưng cũng là nơi của đói nghèo và mọi rợ. Cũng không thể trách họ được, bởi những thế kỷ trước đây, phần lớn các nước Phương Đông chính là thuộc địa của các nước lớn ở Phương Tây. Nhưng đọc Hành trình về Phương Đông, chắc hẳn rất nhiều độc giả phương Tây sẽ rất ngỡ ngàng trước một nền minh triết rực rỡ của Phương Đông, xứ sở mà họ ngỡ là chỉ có nghèo đói và lạc hậu. Là một người phương Đông nhiều khi tôi cũng cảm thấy choáng ngợp trước sự giàu sang và hào nhoáng của các nước phương Tây, tôi không biết rằng, xứ sở mình đang sống chứa đựng những kho tàng quý báu đến như thế, cho đến khi tôi đọc Hành trình về phương Đông của Giáo sư Blair T. Spalding. Đây có thể coi là cuốn nhật ký của đoàn khảo sát gồm những nhà bác học lừng lẫy nhất của nước Anh. Tâm thế của những nhà khoa học này khi bắt đầu chuyến hành trình có lẽ là sự tò mò và không mấy tin tưởng, đặc biệt là khi trải qua hai năm ở Ấn Độ và chỉ được chứng kiến những trò lừa bịp rẻ tiền ở khắp nơi trên xứ này. Họ đã thất vọng và muốn bỏ cuộc, cho đến khi GS Spalding gặp một người Ấn ở thành Benares. Người Ấn này gặp GS để chuyển lời của một vị chân sư đến phái đoàn “Hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở. Hãy tìm rồi sẽ gặp”, và dạy rằng “Các vị minh sư đâu có cư ngụ trong đền thờ lộng lẫy, họ đâu in danh thiếp với các chức tước, địa vị to lớn, trọng vọng. Họ đâu cần phải quảng cáo các quyền năng, đạo quả hoặc in tên trong điện thoại niên giám”. Những lời này đã dẫn dắt phái đoàn đến một cuộc hành trình kỳ lạ vén lên bức màn của Phương Đông huyền bí với một nền minh triết vĩ đại và thiêng liêng ẩn mình nơi chốn tĩnh lặng như rừng sâu núi thẳm hay trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, khuất xa hỏi những ồn ào, hỗn tạp chốn thành thị, phố chợ. Nhờ có lời nhắn của vị chân sư bí ẩn mà phái đoàn đã được gặp những vị đạo sĩ chân chính, những người đang trên đường đạo và đã ngộ ra được nhiều điều sâu sắc. Đó là một nhà chiêm tinh “gầy gò, nhỏ bé, nhưng có một đôi mắt sáng ngời, chứng tỏ một đời sống nội tâm dồi dào”, người đã khiến cho “toàn thể phái đoàn đều bàng hoàng, khâm phục”. “Trong một buổi chiều, nhà chiêm tinh xứ Ấn đã hùng biện, dẫn chứng về toán học, sinh vật học, triết học, tôn giáo và cả lịch sử Âu châu như một học giả uyên bác nhất. Kiến thức của y đã chinh phục tất cả mọi người”. Cuộc gặp gỡ Brahmananda và Sudeih Babu đã thay đổi tất cả. Cho đến lúc đó, phái đoàn mới công nhận rằng đằng sau khu rừng mê tín dị đoan, còn có những chân lý cao siêu đáng học hỏi và nghiên cứu. Đó còn là vị đạo sư giữ Ngôi đền im lặng, khi ông giảng giải cho phái đoàn rằng “Đền yên lặng là nơi chỗ của quyền năng, vì yên lặng đồng nghĩa với quyền năng. Khi con người đạt đến chỗ im lặng trong tư tưởng thì họ đã đến chỗ mà tất cả đều là sự hợp nhất với quyền năng thiêng liêng. Con người có sức mạnh tư tưởng nhưng vì vô ý thức, họ đã để cho nó hao tán… Khi tập trung mọi sức mạnh tư tưởng vào một trung tâm sinh lực duy nhất, con người tiếp xúc với thượng đế. Khi hợp nhất với đấng thiêng liêng, ta hợp nhất với mọi quyền năng và đó là di sản tâm linh tối hậu. Phương pháp duy nhất để hoà hợp với đấng thiêng liêng, là tiếp xúc với ngài một cách ý thức, từ bỏ ngoại cảnh, để quay về với nội tâm, vì đấng thiêng liêng ẩn tàng trong tâm con người. Khi con người từ bỏ ảo giác của kiêu mạn, bản ngã, nhận thức sự vô minh, hèn kém của mình và sẵn sàng học hỏi, sửa đổi, đó là tu thân. Người ta không thể dạy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng, tự phụ, vì chỉ có người khiêm tốn mới thấy được chân lý. Đấng thiêng liêng không nghe các lời cầu xin ồn ào, lập đi lập lại mà chỉ nghe những lời cầu nguyện chân thành của những kẻ đến với ngài bằng trái tim, sùng kính ngài bằng tâm hồn và sự im lặng. Kẻ nào tiếp xúc với ngài trong âm thầm sẽ nhận biết quyền năng của ngài do sự thực hiện các điều mong muốn của họ”. Sống trong thời hiện đại, chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của sự im lặng. Nhưng từ hàng ngàn năm trước, những đạo sư ở Ấn Độ đã nhận thức được rằng “Minh triết phát sanh từ sự yên lặng. Thượng đế không cần ta phải tuyên dương ngài một cách ồn ào hay bằng một ngôn ngữ gì. Khi một tín đồ thành tâm trong tĩnh lặng, y sẽ hoà hợp tư tưởng với ảnh hưởng thiêng liêng; và ảnh hưởng này chỉ có thể nhận biết được khi lòng ta vắng lặng. Khi tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, ta có thể tự phân tích mình, trau dồi phẩm hạnh và đón nhận những mặc khải từ cõi trên. Chỉ trong sự vắng lặng, con người mới ý thức năng lực trong mình, và chung quanh mình. Chỉ trong yên lặng các quyền năng tiềm ẩn mới phát sinh và nẩy nở. Tâm có an thì việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng mới chịu yên tĩnh. Con người có giải thoát các ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, thì mới đón nhận được các hoà âm tuyệt diệu đến từ cõi vô biên. Con người cần khám phá rằng hạnh phúc ở trong tâm mình. Hiện nay phần lớn đều tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, nhưng ngoại cảnh chỉ đem lại các giải trí trong chốc lát, thay vì hạnh phúc vô biên. Tất cả phương pháp tìm kiếm bên ngoài đều vô vọng. Con người phải biết quay về nội tâm vì mọi hình tướng, nghi thức đều là sự áp chế”. Khi im lặng, “con người sẽ dần dần ý thức được chính mình. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một thời gian. Họ sẽ tìm thấy ở mình một thứ hạnh phúc không lệ thuộc ngoại vật, cũng không lệ thuộc tha nhân. Một tâm trạng giải thoát không ai có thể cướp được, đó là tâm trạng “tôn giáo”, kết tinh bởi sự nẩy nở, thăng hoa các ý thức sâu kín trong nội tâm. Con người sẽ tự mình tìm thấy câu giải đáp khi họ ý thức thực chất của chính mình, và ảnh hưởng cao cả của thượng đế. Chỉ khi đó, mọi sự tìm kiếm ở ngoại cảnh sẽ chấm dứt”. Càng đọc, tôi càng thấm thía những lời dạy này của vị đạo sư. Ngày nay chúng ta mong cầu quá nhiều nhưng lại lắng nghe bản thân mình quá ít, có lẽ vì thế mà ta luôn cảm thấy không đủ chăng? “Thượng đế ở khắp mọi nơi và tuyệt đối, ngôn ngữ, hình ảnh không thể diễn tả được. Chỉ trong sự im lặng hoàn toàn phá bỏ tất cả hình tướng, nghi thức, con người mới tự do sống bình an với nhau, hiểu sự liên quan giữa y và những người đồng loại. Con người thường suy tư về sự liên hệ giữa người với người, nhưng sự suy tư này ít nhiều đều thiên vị. Nó luôn luôn sai lạc nếu nó khảo sát sự vật xuyên qua bản ngã. Tư tưởng con người chỉ chân chính khi họ giải thoát khỏi các thành kiến, điều kiện bao bọc bên ngoài. Tự do tư tưởng không phải chỉ là muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối riêng. Đây là một chân lý chỉ tìm thấy trong sự yên lặng, trong sự cởi bỏ mọi nghi thức, hình tướng, ngôn từ, các thành kiến dị biệt, các cưỡng bách tư tưởng, các sợ hãi bắt nguồn từ vô minh . Chỉ khi nào hoàn toàn tự do, con người mới thực sự bình an và giải thoát”. Tôi đã đọc đi đọc lại chương này rất nhiều lần, bởi khi đọc những lời này, tôi như thấy mình đang được khai mở, tôi thấy xúc động và bình an cùng một lúc.
Hành trình tiếp tục đưa phái đoàn đến thành phố Rishikesh - thành phố của các vị thánh. Từ lâu nay người ta đã coi thành phố này như một thánh địa mà tất cả những kẻ cầu đạo đều phải đến để đắm mình trong bầu không khí thiêng liêng. Ở đây, họ gặp Đức Mahayasa và được lắng nghe câu chuyện về người thầy của ông, Đức Ramakrishna, một con người đơn giản, biết ít, học ít, nhưng ngay cả những bậc học rộng, tài cao của Ấn độ đều ngưỡng mộ ngài. “Họ cúi đầu trước hào quang tâm linh của ngài”. Bởi “Có gần ngài, mới hiểu thế nào là bình an. Những ngày bên ngài tốt đẹp biết bao”. Ngài dạy rằng: “muốn có hạnh phúc thật sự, phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn”, “nguyên nhân các đau khổ đều ở trong ta chứ không phải ở bên ngoài”.
Sự huyền hoặc của văn hoá phương Đông còn khiến phái đoàn ngỡ ngàng sau cuộc gặp với vị giáo sĩ có thể tạo ra mọi vật từ hư không, người đã chứng minh một cách thuyết phục lời dạy của Đức Jesus: "Những gì mà ta làm được thì các ngươi cũng sẽ làm được và các ngươi sẽ còn làm được những việc lớn lao hơn nữa". "Ðức Jesus đã dạy rằng trong thiên nhiên có chất liệu để làm đủ mọi vật và người ta có thể tìm lương thực của mình trong đó. Chúng ta chỉ cần rút các chất liệu nầy để tạo ra mọi thứ cần dùng. Nhưng con người hèn nhát và thiếu đức tin đã không nghĩ rằng họ có thể thực hiện được những việc này. Nhu cầu phải chăng cũng là ý muốn sáng tạo? Thay vì vươn lên để thực hiện ý muốn, để sáng tạo thì con người lại thu hẹp mình lại và nghĩ rằng họ không thể làm được những việc đó. Vì thế con người càng ngày càng rời xa Thượng Ðế. Ðến nay con người tin rằng họ là một thực thể cách biệt với Thượng Ðế. Họ đã đi lệch hẳn con đường toàn vẹn, bỏ lỡ cái mục đích cao đẹp”.
Họ cũng đã gặp một vị đạo sư Yoga đồng thời là một nghệ sĩ. Điều lạ lùng là ông ý thức được sự sáng tạo trong một buổi thiền định và từ đó ông có thể làm mọi thứ, từ chơi nhạc, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng… dù không hề được đi học. Điều mà ông ngộ ra được đó là “ai cũng có thể sáng tạo mà không cần tài năng đặc biệt vì sự sáng tạo là trạng thái tuyệt vời của nghệ thuật, không bị ảnh hưởng của bản ngã. Sáng tạo không có nghĩa là "soạn nhạc", "làm thơ", "vẽ tranh" nhưng là một trạng thái mà trong đó Sự Thật có thể biểu hiện. Sự Thật chỉ có thể biểu hiện khi tư tưởng ngưng đọng lại và tư tưởng chỉ ngưng lại khi bản ngã vắng mặt. Khi tâm hồn hoàn toàn tĩnh lặng không bị thôi thúc bởi dục vọng, khả năng sáng tạo sẽ tự biểu lộ. Khi "cái ta" không còn nữa thì tất cả là một sự hợp nhất thiêng liêng. Cái đẹp có thể được diễn tả trong một bài thơ, bản nhạc, nụ cười hay trong sự im lặng. Phần lớn con người không có khuynh hướng yên lặng. Chúng ta không có thời giờ quan sát đám mây trời, buổi hoàng hôn, một ngọn núi hùng vĩ, một bông hoa hé nở vì đầu óc chúng ta quá bận rộn, quay cuồng”. Một lần nữa tầm quan trọng của sự im lặng lại được vị đạo sư nhắc đến. Tôi lại nghĩ đến sự khác biệt quá lớn giữa phương Tây và Phương Đông. Nếu như Phương Tây rực rỡ, ồn ào thì Phương Đông lại chú trọng đến sự tĩnh lặng, yên bình. “Người nghệ sĩ chân chính là người mở rộng tấm lòng để cảm hứng đến một cách tự nhiên, là người nhìn thấy Chân, Thiện, Mỹ ở khắp tất cả mọi nơi chứ không phải qua khả năng hồi tưởng hoặc qua một chất kích thích. Người nghệ sĩ chân chính sáng tạo vì lòng yêu cái đẹp chứ không phải vì tác phẩm sẽ đem lại cho y tên tuổi, tiền bạc, địa vị. Làm thế là đồng hoá cá nhân mình vào đối tượng. Bất cứ ai biết rung động trước cái đẹp đều là nghệ sĩ, đều là người sáng tạo vì cái cảm giác chân thật, tuyệt vời đó chính là một sự "giác ngộ", một sự hợp nhất. Cái cảm giác đó không thể tự tạo hay tìm được mà đến và đi một cách tự nhiên...”. Nói như vị đạo sư  thì mỗi chúng ta đều có khả năng trở thành nghệ sĩ nếu chúng ta biết lắng nghe và biết rung cảm trước cái đẹp.
Tôi vô cùng ấn tượng với phần chia sẻ của Bác sĩ Bandyo với phái đoàn về các thiên thần và về cuộc sống của linh hồn sau cái chết. Ông khẳng định rằng “chết không phải là hết mà chỉ là một giai đoạn di chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Con người chỉ rời bỏ thể xác này thôi. Sự chết không có gì đáng sợ như người ta vẫn nghĩ." Và với ông thì “tình thương là một năng lực sáng tạo khiến người thương và kẻ được thương đều trở nên phong phú. Trên thế gian này, tình thương là một thứ mà ai cũng có thể cho mà không sợ phung phí. Một tình thương chân thật có giá trị giao hòa, không gì có thể thay thế được. Nó không bao giờ gây hư hại mà chỉ tạo ảnh hưởng tốt lành. Tình thương là một sinh lực có thể chữa trị tất cả mọi bệnh tật và đây là điều khoa học cần chú trọng đến”. “Tình thương là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết để trẻ em nẩy nở tâm lý, tinh thần”. Điều kỳ lạ là trong một cuốn sách về tôn giáo chúng ta lại học hỏi được cách làm cha mẹ, đó là yêu thương những đứa con của mình, đừng viện dẫn sự thiếu thốn về thời gian và vật chất để bỏ mặc con cái.
Đọc Hành trình về phương Đông, tôi rút ra được nhiều bài học cho chính bản thân mình. Đó là muốn sống mạnh khoẻ, an nhiên, tự tại thì hãy buông bỏ mọi thứ vật chất hư ảo. Tôi nhận thấy điểm chung mà các vị đạo sĩ đề cập đến đó là chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho mọi câu hỏi ngay trong chính bản thân ta, kể cả câu hỏi về hạnh phúc. Mọi khổ đau đều do ta gây ra cho chính ta mà thôi. Điều đáng tiếc là chuyến khảo sát phải dừng lại khi bắt đầu có những tiến triển lớn, con đường đến với các vị chân tu đang gần lại. Nhưng dù sao, với chừng đó cuộc gặp gỡ mà các nhà khoa học đã trải qua, tôi nghĩ rằng cũng đã đủ để khiến cho thế giới nói chung và phương Tây nói riêng có những cái nhìn khác về phương Đông – nơi đang ẩn trong nó biết bao giá trị thiêng liêng và đáng quý. Tôi có cảm giác rằng, Hành trình về Phương Đông là hành trình về với cội nguồn, về với ngọn nguồn của sự sống.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Những đoạn trích dẫn tâm đắc trong cuốn Đức Phật trong ba lô





Notebook for
Đức Phật Trong Ba Lô
Daisaku Ikeda
Citation (APA): Ikeda, D. (2018). Đức Phật Trong Ba Lô [Kindle Android version]. Retrieved from Amazon.com

HÒA HỢP VỚI CHA MẸ

Highlight (yellow) - Location 149
Đạo Phật giải thích rằng chẳng có gì tình cờ xảy ra cả, và rằng mọi người đã sẵn có trong họ tất cả những gì họ cần để được hạnh phúc. Vì thế, không có kho báu nào quý giá hơn chính cuộc sống.
CẤM ĐOÁN QUÁ NHIỀU
Highlight (yellow) - Location 191
Tự do thực sự rốt cục chỉ xoay quanh điều mà bạn quyết định cống hiến bản thân với cả trái tim.
NGƯỢNG NGÙNG
Highlight (yellow) - Location 1437
Bà thôi không lo lắng về việc tạo ấn tượng tốt nữa, thôi ám ảnh người khác nghĩ gì về mình. Thay vào đó, bà bắt đầu quan tâm đến sự an vui của những người khác. Bà cũng hết lòng theo đuổi những sở thích của mình. Khi làm như vậy, bà học được rằng mọi người không chú ý nhiều tới việc người khác đang làm gì và chính sự chú ý mà tự chúng ta vơ vào mình mới đích thực là kẻ thù lớn nhất. Nhận ra điều này, sự ngại ngùng trong bà dần dần giảm bớt.
CAN ĐẢM GIÚP ĐỠ
Highlight (yellow) - Location 1531
Cuối cùng thì điều thực sự có ý nghĩa là ý định của bạn. Hãy can đảm nghe theo bản năng khi quyết định giúp đỡ mọi người. Bạn càng hành động vì người khác, cuộc đời bạn sẽ càng rộng mở, bất kể đối phương phản ứng với lòng tốt của bạn thế nào. Ân cần chính là sức mạnh, vì thế bạn càng ân cần với người khác, bạn càng trở nên mạnh mẽ.
Highlight (yellow) - Location 1542
Hầu như ai cũng có một tia lửa của sự ấm áp hay tình người trong tim. Không ai sinh ra đã lạnh lùng. Nhưng nếu qua thời gian, người ta chôn vùi hơi ấm của mình sâu trong tim họ vì sợ bị tổn thương, họ sẽ trở nên lạnh lùng và sắt đá. Tương tự, những người chỉ biết nghĩ đến mình và nghĩ ai cũng chống lại họ thường có xu hướng tự bọc mình trong tấm áo giáp của sự tàn nhẫn và tự đại. Hành vi như thế thật phi nhân tính.
THỂ HIỆN SỰ QUAN TÂM
Highlight (yellow) - Location 1549
Điều tối quan trọng là chân thành mong muốn thấy người khác được hạnh phúc. Và đó là điều mà chúng ta nên nỗ lực hướng tới mỗi ngày.
BẠO LỰC VỚI PHỤ NỮ
Highlight (yellow) - Location 1641
Dấn bước là điều cốt lõi của sống và là tinh thần của Phật tử.
HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Highlight (yellow) - Location 1699

Hãy sống sao cho bạn trở thành tử tế và thân thiện với mọi người xung quanh, rồi bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình sống một cuộc đời biết bao hạnh phúc. Charles M. Schwab

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Review Đi tìm lẽ sống






Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách kinh điển của Viktor Frankl, một nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo, quan trọng hơn, ông là người đã sống sót qua bốn trại tập trung của phát xít Đức. Cuốn sách này, như ông nói “không hướng đến việc thuật lại những sự việc, sự kiện lịch sử…, không chú trọng những điều ghê rợn kinh hoàng, vốn được mô tả khá nhiều (tuy rất ít người tin), mà nó viết về những nỗi dày vò nho nhỏ. Nói cách khác, cuốn sách sẽ tìm cách trả lời câu hỏi: Các tù nhân nghĩ về cuộc sống hàng ngày trong trại tập trung như thế nào?”.
Từ những quan sát và trải nghiệm thực tế ở các trại tập trung, với tư cách là một người tù và dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, ý nghĩa của cuộc sống là gì, những nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng trong địa ngục trần gian này liệu có đem đến một ý nghĩa nào không? Từ đó, ông đã xây dựng nên liệu pháp ý nghĩa hay còn được một số tác giả gọi là “Trường phái thứ ba của Áo về tâm lý liệu pháp”, tập trung vào ý nghĩa của sự hiện hữu của con người cũng như ý nghĩa của việc con người đi tìm lẽ sống của đời mình. Theo liệu pháp ý nghĩa, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống chính là động lực thúc đẩy con người.
Cuốn sách gồm hai phần chính:
Phần 1: Những trải nghiệm trong trại tập trung
Phần 2: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Và phần Tái bút viết năm 1984
Như mở đầu tác giả đã trình bày, cuốn sách này không phải là một cuốn tư liệu lịch sử về những sự việc, sự kiện đã xảy ra trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, nên ở phần đầu, tác giả mặc dù có miêu tả về những nỗi thống khổ của người tù, nhưng phần lớn là những quan sát và kết luận của ông về tâm lý của tù nhân. Ông cố gắng làm sáng tỏ ba giai đoạn phản ứng tinh thần của người tù đối với cuộc sống trong trại: giai đoạn đầu sau khi nhập trại; giai đoạn khi đã quen với cuộc sống trong trại; và giai đoạn sau khi được thả tự do.
Điều làm tôi thấy giá trị khác biệt trong cuốn sách của Viktor Frankl đó là, dù trong bối cảnh cuộc sống trong tù có khắc nghiệt đến thế nào, ông vẫn quan sát và nhận ra được rằng “bất kể tình trạng bị quản thúc về thể xác và áp lực căng thẳng về tinh thần, đời sống nội tâm của các tù nhân trong trại tập trung vẫn rất sâu sắc”. Ông phát hiện ra rằng có một số tù nhân “những người xuất thân là trí thức có thể cảm thấy rất đau đớn về thể xác (do thể chất ốm yếu), nhưng thế giới nội tâm của họ lại rất kiên cường. Họ thường có thể tự rút mình ra khỏi hoàn cảnh khủng khiếp xung quanh để đến với cuộc sống nội tâm phong phú và sự tự do về tinh thần. Chỉ có cách này mới giải thích được nghịch lý tại sao một số tù nhân trông bề ngoài yếu đuối lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn những người cường tráng khác”; “Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống”. Ông đi đến kết luận “tôi hiểu được làm sao mà một người không còn gì trên thế gian này vẫn biết thế nào là hạnh phúc dù chỉ thoáng qua, đắm chìm trong suy nghĩ về người mình yêu thương. Trong lúc cảm thấy cô độc, khi không thể làm gì tích cực, khi điều duy nhất một người có thể làm là nhẫn nại chịu đựng thì nỗi nhớ về những người yêu thương là niềm hạnh phúc duy nhất của các tù nhân”. Bởi vì, “Tình yêu là mục đích cuối cùng và mục đích cao cả nhất của nhân loại”. Chính bởi tình yêu với con người và cuộc sống không bị bào mòn đi trong trại tập trung nên một số người tù lại càng có đời sống nội tâm sâu sắc hơn bao giờ hết. Vượt lên khung cảnh ảm đạm, xám xịt của nhà tù, họ vẫn nhìn thấy được những vẻ đẹp hiếm hoi của thiên nhiên. Tôi vô cùng xúc động trước chi tiết những người tù khi ngắm cảnh hoàng hôn đã thốt lên “thế giới này sao có thể đẹp đến thế!”. Suy cho cùng, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mà một con người có thể phải chịu đựng trong cuộc đời thì, tình yêu vẫn luôn là cội nguồn sức mạnh để họ vượt lên nghịch cảnh, giữ được phẩm giá của mình.
Một câu hỏi cũng vô cùng sâu sắc mà tác giả đặt ra trong phần này là phải chăng, con người chẳng qua chỉ là một sản phẩm của hoàn cảnh và môi trường xung quanh? Thế còn sự tự do của con người thì sao? Và từ những trải nghiệm trong trại tập trung tác giả kết luận “con người có sự lựa chọn cho hành động của mình… Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất… Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình. Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định. Mỗi một ngày, mỗi một giờ thường đem đến cho ta cơ hội để đưa ra quyết định, quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe doạ cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn.” Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để chúng ta dừng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh với những thất bại của ta, với những điều ta đã đánh mất hoặc không thể đạt được trong đời. Điều này cũng khích lệ chúng ta đừng do dự, đừng lo sợ trước hoàn cảnh khó khăn, bởi, chúng ta luôn tự do để lựa chọn và đưa ra quyết định của chính mình. Chúng ta hoàn toàn có thể tự do lựa chọn và quyết định sống cuộc đời mà mình mong muốn. Tôi vô cùng tâm đắc với những luận điểm sắc bén của tác giả khi ông phê phán thuyết tiền định. Ông cho rằng, thuyết này còn sai lầm và nguy hiểm hơn nhiều sự  đề cao bản năng tình dục trong phân tâm học. Bởi vì theo ông, con người mới là chủ thể quyết định mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của mình, nói cách khác, con người tự do định đoạt số phận của mình, “con người có khả năng biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn cũng như có thể thay đổi chính mình để trở thành người ưu tú hơn”.
Ở phần hai, tác giả trình bày sơ lược về liệu pháp ý nghĩa. Đây là một phương pháp ít hồi tưởng về quá khứ và ít quán xét nội tâm hơn. Liệu pháp ý nghĩa tập trung hơn vào tương lai, tức là vào những ý nghĩa cuộc sống sẽ được bệnh nhân xây đắp trong tương lai. Trong phần này, tác giả đề cập đến “trạng thái tồn tại chân không” – một hiện tượng tâm lý phổ biến của con người ở thế kỳ 20. Đây là trạng thái tâm lý chán nản, buồn phiền, cảm giác vô nghĩa trong cuộc sống. Theo tác giả, đây là những người “có đủ điều kiện để sống nhưng không có lý do để sống; họ có phương tiện sống nhưng không có mục đích sống”. Từ những quan sát của cá nhân tôi thì dường như, khi bước sang thế kỷ 21, con người vẫn mang theo đâu đó những biểu hiện này. Trên mạng xã hội, ngay trong cuộc sống, không hiếm để bắt gặp những con người luôn ủ rũ, chán nản, u buồn trước mọi điều. Câu trả lời cho những người này, đó là “Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và đang sắp phạm phải sai lầm như đã từng phạm phải lần đầu tiên”. Điều này có nghĩa là gì? “Câu châm ngôn ấy đặt con người vào tình thế đối mặt với tính hữu hạn của cuộc sống cũng như hành động cuối cùng mà người đó đã tạo ra cho mình và cho đời. Liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân nhận ra trách nhiệm của bản thân để người đó hiểu được trách nhiệm của mình là để thực thi nhiệm vụ nào, hướng tới mục tiêu gì, hoặc dành cho ai”. Điều này có nghĩa là con người phải có trách nhiệm đối với sự tồn tại của bản thân mình và đối với cuộc sống. Vậy, làm sao chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, để biết rằng, mình không phải là kẻ vô dụng, không có giá trị? Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong cuộc sống theo ba cách khác nhau: (1) tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó; (2) trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó; và (3) bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ”. Theo Franlk, chúng ta có  thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống thậm chí cả khi ta đang trải qua bi kịch cuộc đời.
Ngay trong những ngày tháng tù đày đầy đau khổ, nghiệt ngã, có một câu hỏi luôn chiếm lĩnh tâm trí Viktor Frankl là “Liệu tất cả những đau khổ này, sự chết chóc bao quanh chúng tôi này, có một ý nghĩa nào chăng?”. Đây là câu hỏi đã thúc đẩy ông tiến về phía trước vì rút cuộc, ông hiểu rằng, những khổ đau mà mình đang chịu đựng này thực sự có ý nghĩa. Từ những đúc rút của Viktor Frankl ta cũng hiểu rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi “vì điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thật sự của bản thân, vốn có thể thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân”. Trong cuộc sống hằng ngày, có đôi khi chúng ta có thể nản lòng vì một điều gì đó, thì hãy luôn nhớ rằng, khi có một mục tiêu để hướng đến và với tinh thần chịu trách nhiệm đến cùng sẽ khiến cho sự tồn tại của chúng ta thực sự có ý nghĩa.
Có một điều tôi rất trân trọng khi đọc cuốn sách này, đó là nó đề cao giá trị của quá khứ, “Ở đó, mọi việc đều đã hoàn thành và không gì có thể phá bỏ. Tôi phải nói rằng đã từng sống là một hình thức chắc chắn nhất của sự tồn tại”. Chính bởi vì đã sống một cuộc đời ý nghĩa nên chúng ta sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi thời gian trôi đi, không bao giờ phải ghen tị với tuổi trẻ của ai đó; “thay cho các khả năng, tôi có những sự việc thực trong quá khứ, không chỉ thực tế về công việc đã làm và tình yêu đã có, mà cả về những đau khổ mà tôi đã dũng cảm trải qua”.
Liệu pháp ý nghĩa cũng cung cấp cho chúng ta một kỹ thuật để chữa lành hầu hết mọi nỗi sợ hãi, lo lắng của con người, đó là “suy nghĩ đảo nghịch” “theo hai phương diện rằng nỗi sợ sẽ biến điều mà một người lo sợ thành sự thật, và rằng sự mong muốn quá mức một điều nào đó sẽ khiến cho một người không thể đạt được điều ấy”. Tôi sẽ thử áp dụng phương pháp đảo nghịch này để cải thiện nỗi sợ phải phát biểu trước đám đông và hy vọng rằng nó sẽ thành công.
Tôi đã từng thích một câu cách ngôn như thế này: Hạnh phúc là có một công việc để làm, một người để yêu và một điều gì đó để chờ đợi. Sau khi đọc xong Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl, tôi mới hiểu, câu nói này mang đậm tinh thần của Liệu pháp ý nghĩa. Tôi cũng rất thích những ý nghĩa ẩn sau tựa đề cho cuốn sách xuất bản bằng tiếng Đức của ông “Hãy nó Có với cuộc sống, bất kể mọi việc có như thế nào chăng nữa”. Câu này hàm ý rằng “cuộc đời vẫn còn nhiều ý nghĩa tiềm ẩn trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong những tình huống khốn khổ nhất”. Bất kể trong tình huống nào, hãy tạo ra điều tốt nhất.
Đi tìm lẽ sống thực sự là một cuốn sách tuyệt vời, là kim chỉ nam để ta có một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn nhất, để ta không phải tiếc nuối khi bóc những tờ lịch trên tường.
  

[Review] Con đường phía trước - The Road Ahead, Bill Gates

       Chúng ta đang bắt đầu thập niên 20 của thế kỷ thứ hai mươi mốt, và những gì ta nghe được nhiều nhất trong những năm này có lẽ...